KTĐT - Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng khuyến mãi không phải chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ phục vụ.
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thành viên Ban Tổ chức "Tháng khuyến mãi" của thành phố Hà Nội chia sẻ với báo giới về thực trạng khuyến mại chưa thiết thực, thậm chí có trường hợp còn tạo có người tiêu dùng có cảm giác như bị lừa hiện nay.
Ít có lời cám ơn
- Là người làm thương mại và quản lý trong lĩnh vực thương mại của Hà Nội nhiều năm, theo ông, khuyến mại như thế nào là hiệu quả?
- Số một là phải khuyến mại theo đúng luật pháp. Đơn cử, luật định: sản phẩm khuyến mại không vượt quá 50% trị giá hàng hóa bán ra thì việc nhà kinh doanh bảo mua 1 tặng 2 là sai. Mua 1 tặng 1 là tối đa.
Thứ hai khuyến mại phải đảm bảo trung thực, trách nhiệm, công khai, minh bạch và thuận tiện. Nói thế nào thì khuyến mại thế đấy, không đưa hàng kém phẩm chất vào bán trà trộn; không đề giảm giá 50% nhưng vừa bán được 15 phút đã bảo hết hàng rồi hoặc khách hàng phải đi năm lần bảy lượt mới nhận được quà khuyến mại…
Thứ ba, doanh nghiệp cần nhận thức được rằng khuyến mãi không phải chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ phục vụ. Sự chân tình, trọng vọng khách hàng chứ không phải kiểu ban ơn bố thí. Được khuyến mãi gói kẹo cũng quý lắm nhưng thái độ còn quý hơn. Cái này phải trở thành nề nếp của kinh doanh về sau chứ không phải hết khuyến mại là buông tay.
Tôi đã có lần nói, nếu doanh nghiệp/người bán hàng không biết nói lời cám ơn thì không cẩn thận là phá sản. Lời cám ơn phải thực sự từ trái tim mình. Tôi đi siêu thị các nước, nhân viên nam nữ đứng hai bên cúi đầu chào khi khách đi ra, trong khi ở mình, chưa có siêu thị nào làm được. Khi thanh toán, đưa hóa đơn ở mình ít khi nói cám ơn quý khách đã đến mua hàng.
Thứ nữa, để khuyến mại có hiệu quả, rầm rộ, có sức lan tỏa trong nhân dân thì doanh nghiệp phải liên kết, tập hợp cùng phát động phong trào. Cạnh tranh trong khuyến mãi cũng cần lành mạnh, bằng sức của doanh nghiệp, bằng hiệu quả và sự tiết giảm chi phí chứ không phải bằng chê bai, đánh đố, dìm giá lẫn nhau.
Khuyến mãi còn tù mù, đánh đố khách hàng
- Ông có những câu chuyện góp ý gì về cung cách phục vụ, hình thức khuyến mãi của doanh nghiệp, của siêu thị hiện nay với tư cách một người tiêu dùng?
- Thứ nhất đó là kiểu khuyến mãi đánh đố khách hàng. Bản thân tôi có lần cào trúng thưởng một sản phẩm của hãng Ovantine, kết quả thấy ghi đại ý là bạn đã trúng thưởng 50.000 đồng. Xin mời bạn gửi thư vào TP.HCM để nhận.
Ở Hà Nội không có địa chỉ để nhận ngay mà phải gửi thư vào TP.HCM để nhận có 50.000 đồng, đúng là đánh đố nhau còn gì? Tôi đã gặp phải rất nhiều trường hợp khuyến mãi trớ trêu, coi thường và gian dối với người tiêu dùng kiểu như vậy.
Còn một vấn đề nữa đó là sự thiếu công khai, minh bạch và thiếu giám sát trong khuyến mãi. Hiện nay vào siêu thị, cửa hàng, thấy nhà kinh doanh cứ trưng bày ôtô, xe máy khuyến mãi rất hoành tráng nhưng không biết ai giám sát việc trúng thưởng cho khách hàng, ai giám sát việc cái xe máy, ôtô đó sẽ có trong nắp bia…?
Ôtô cứ treo nhưng không ai được khuyến mãi cả. Cái này rất nguy hiểm thuộc về yếu tố trung thực của người kinh doanh, cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định về khuyến mãi những hàng giá trị lớn từ vài năm nay đã quy định: khi khuyến mãi những hàng giá trị lớn, kiểu bốc thăm trúng thưởng ôtô, xe máy, tivi…, trị giá hàng khuyến mãi phải nộp vào kho bạc Nhà nước.
Nếu không có khách hàng trúng giải thì doanh nghiệp chỉ lấy lại được 50% giá trị, 50% còn lại phải để lại quỹ khuyến mãi chung của Nhà nước. Quy định như vậy, nhưng tôi chưa biết việc kiểm tra vấn đề này hiện như thế nào, chưa có số liệu báo cáo nào. Ngay Sở Công Thương cũng không thấy công bố cho người dân biết chuyện này.
Thực tế nhiều trường hợp có “chân gỗ” để làm khuyến mại. Ví dụ tôi chỉ thùng số mấy có xe máy đấy, khui ra đúng luôn bởi chỉ có người trong cuộc mới biết thôi. Cho nên, nếu không công khai minh bạch, không có giám sát của cộng đồng thì sẽ rất khó.
- Tháng khuyến mại của Hà Nội được nhiều người dân phấn khởi đón nhận bởi thông tin giảm giá các mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, nhất tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Qua đợt tham quan, khảo sát các siêu thị hiện nay, ông có thể mua sắm được những mặt hàng nào?
- Có. Trong đoàn khảo sát một số siêu thị cách đây vài ngày, có một cô phóng viên ở tạp chí thuộc Bộ Tài chính đã mua được một chiếc máy giặt ở Trung tâm Nguyễn Kim – Tràng Thi. Giá đang từ 4,7 triệu đồng, giảm xuống còn 4,1 triệu, giảm 600.000 đồng.
- Giảm giá là rất tốt với người tiêu dùng, nhưng một số ý kiến cho rằng hiện nay chủ yếu đánh vào mặt hàng điện tử, điện máy, còn hàng thiết yếu là thực phẩm và kể cả quần áo mùa thu đông thì số lượng và mức giảm không đáng kể?
- Đúng đấy, hàng thực phẩm ở các siêu thị được giảm giá hơi ít. Đa phần vừa rồi là hàng điện máy, dụng cụ gia đình. May mặc có giảm nhưng ít về chủng loại.
Thực ra quản lý Nhà nước không thể dắt tay cụ thể bảo doanh nghiệp phải giảm giá cái này, cái kia được. Quản lý cũng chỉ phát động, nêu số lượng, góp ý thái độ phục vụ bởi nếu doanh nghiệp lỗ thì ai bù cho họ?
Qua thông tin báo giới, Hội Siêu thị Hà Nội sẽ có công văn nhắc nhở các siêu thị cố gắng tìm thêm các nguồn hàng thiết yếu hằng ngày, lương thực thực phẩm để giảm giá cho nhân dân hơn nữa trong "Tháng khuyến mãi".
Kỳ vọng làm được ngay là ảo tưởng
- Ban tổ chức "Tháng khuyến mại" kỳ vọng, hoạt động này được tổ chức thường xuyên sẽ tạo điểm nhấn thu hút không chỉ người dân Hà Nội, người VN mà rồi phải lan tỏa ra thế giới; gắn với hoạt động du lịch tầm cỡ như tháng khuyến mãi ở Singapore, Thái Lan, các nước châu Âu… Để được như vậy, phía cơ quan quản lý phải làm những gì, thưa ông?
- Việc khuyến mại nên năm nào cũng làm, tạo một tháng thường xuyên. Thứ hai là khuyến mại của thương mại phải gắn kết với các ngành nghề khác như du lịch, ngân hàng, làng nghề… Cái này hiện mình làm yếu lắm.
Trong catalogue giới thiệu các điểm du lịch, chẳng có điểm siêu thị nào. Mình đi các nước, họ dẫn đi siêu thị, trung tâm thương mại, làng nghề, trong khi mình chỉ dẫn ra chùa Một Cột... là hết.
Thứ ba, công tác tổ chức khuyến mãi phải làm chặt chẽ, có tổng kết, sơ kết, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo, ban ngành thành phố phải trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, uốn nắn, xem tình hình dân thế nào, lắng nghe bà con phản ánh, đánh giá sau khi thụ hưởng khuyến mại để điều chỉnh.
Hiện tại chúng ta còn làm theo kiểu phong trào nhiều quá. Hôm đầu phát động trống dong cờ mở, sau bỏ bẵng đi là nó cứ tắt ngấm dần.
- Theo ông nếu thực hiện thì đến khi nào chúng ta mới thực sự thu hút được như tháng/mùa khuyến mại của các nước khu vực là Singapore, Hong Kong, Thái Lan…?
- Các nước họ tư bản cách đây hàng trăm năm, họ quen chuyện khuyến mại, hạ giá, thậm chí chỉ còn 10-20% so với sản phẩm mới mấy chục năm nay, còn VN mới manh nha nền kinh tế thị trường được 10-20 năm nay. Thứ nhất các doanh nghiệp cung ứng, phân phối của mình chưa quen và thứ hai là tiềm lực còn nhỏ bé.
Việc này đòi hỏi có ngay là không được, cũng giống như thu nhập bình quân đầu người của mình hiện khoảng 1.000 USD/người/năm, mình muốn lên 10.000USD cũng chưa được ngay.
Kỳ vọng làm được ngay thành ra ảo tưởng. Chỉ qua 1 tháng khuyến mãi mà mong bừng tỉnh tất cả là duy ý chí, thiếu logic. Để làm được như nước ngoài, chúng ta phải tập dượt cả chục năm chứ không chỉ một vài năm.
- Xin cảm ơn ông!