Tuy nhiên, câu chuyện tăng tín dụng thời gian này với các ngân hàng không dễ.
Ồ ạt đẩy vốn
Từ sau Tết Âm lịch, các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi liên tục được các ngân hàng tung ra.
Hiện, Ngân hàng Á Châu (ACB) đang triển khai chương trình "Vay ưu đãi cầm cố thẻ tiết kiệm do ACB phát hành" với lãi suất từ 10,5%/năm. Theo đó, khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm hoặc có chứng chỉ huy động vàng, thẻ giữ hộ vàng để vay vốn tại ACB sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi từ 10,5%/năm với số tiền vay từ 500 triệu đồng trở lên, thời hạn vay đến 3 tháng. Cũng trong thời gian này, ACB đang tiến hành giảm lãi suất vay trung bình từ 11,5%/năm đến 12,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay sản xuất kinh doanh với hạn mức cấp tín dụng lên đến 2.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cũng áp dụng chính sách ưu đãi khách hàng cá nhân, khách hàng là doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh mua xe ô tô Trường Hải. Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 12%/năm trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân, các tháng tiếp theo sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5% so với mức lãi suất cho vay mua ô tô của OceanBank tại thời điểm đó.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh HD Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Các ngân hàng khác như Viettinbank, Vietcombank cũng tung nhiều chương trình cho vay với các DN bất động sản và người mua nhà.
Dù tích cực giảm lãi suất nhưng theo đánh giá của nhiều DN, mức lãi suất trung bình từ 12 - 14%/năm vẫn là quá cao. Với mức lãi suất này, DN chỉ làm ăn để trả lãi chứ không vay thêm.
Vẫn khó
Một tuần qua, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty Tân Hưng liên tục nhận được tin nhắn mời vay vốn với lãi suất từ 8,8% của nhân viên các ngân hàng ANZ, ACB… Tuy nhiên, theo ông Hoàng, trong bối cảnh cầu thị trường không có, công ty cũng chỉ làm cầm chừng với các hợp đồng nhỏ nên ngay cả khi muốn mở rộng sản xuất thì lãi suất trên vẫn khá cao.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Công ty Rượu Zenka cho biết, hiện ngân hàng liên tục mời vay vốn nhưng DN không vay. Bởi môi trường kinh doanh hiện vẫn đang rất khó khăn. Vay vốn, vốn không sinh lời mà chỉ để trả lãi cho ngân hàng thì dù 8% hay 10% hay là mức thấp hơn cũng chịu.
Giá vốn giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của DN, nhu cầu nền kinh tế vẫn còn yếu… là những nguyên nhân khiến ngân hàng cố “bơm” vốn ra cũng khó.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn đang ở trạng thái âm (-) 0,16%. Điều này phản ánh vấn đề nợ xấu vẫn đang tiếp tục làm suy giảm nhu cầu trong nước. "Nếu Chính phủ không đề ra một kế hoạch chi tiết để đối phó với vấn đề nợ xấu, chúng tôi cho rằng người tiêu dùng và các DN sẽ tiếp tục duy trì thái độ phòng thủ đối với việc chi tiêu và đầu tư" - đại diện HSBC nói.
Cầu tiêu dùng đang teo lại, nhu cầu đầu tư cũng giảm đi, DN chưa sẵn sàng đầu tư trung hạn, bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, kích tăng trưởng tín dụng vẫn là một bài toán khó với các ngân hàng hiện nay.