Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán?

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự dè dặt của dòng tiền thì có thể thấy thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tích luỹ ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán tiếp tục không khí ảm đạm khi không nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 3/11, VN-Index giảm 3,38 (0,33%) về 1.019,81 điểm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (0,44%) về 210,74 điểm, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (0,46%) xuống 75,66 điểm.

Vốn hóa toàn thị trường tháng 10 giảm 9,3% so với tháng 9.
Vốn hóa toàn thị trường tháng 10 giảm 9,3% so với tháng 9.

Đáng chú ý, thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục "mất hút" khi giá trị giao dịch trên HOSE chỉ còn 7.806 tỷ đồng, giảm gần 30% so với phiên hôm trước. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng sau những thông báo mới nhất sau cuộc họp của Fed.

Tác động lớn nhất vào số điểm giảm của VN-Index hôm nay phải kể đến NVL, cùng với nhiều bluechip ngành ngân hàng như BID, VCB, CTG, ACB,... Trong khi đó, MSN, VNM, GAS, TCB và MWG là các nhân tố nỗ lực lớn nhất trong việc cản lại đà giảm của VN-Index.

Có thể thấy, dòng tiền phiên chiều tìm đến nhiều cổ phiếu nhóm xây dựng, đầu tư công như: HBC, C4G, LCG, CII, KSB,... Bên cạnh đó, một số cổ phiếu nhóm chứng khoán, sản xuất thực phẩm, bán lẻ, dầu khí, hóa chất, vận tải,... đang cho thấy tín hiệu hồi phục.

Theo báo cáo vĩ mô thị trường tháng 10 của Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường chứng khoán trong nước tiếp đà giảm mạnh tháng 9, các chỉ số chính đều giảm sâu trước các thông tin bất lợi trong nước về tỷ giá, lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quốc tế về lãi suất, lạm phát và an ninh thế giới. VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 9,2% và 15,9% so với mức điểm kết thúc tháng 9.

Kết thúc tháng 10, VN-Index đã thiết lập vùng đáy mới trong năm tại 1.027,9 điểm, ở ngưỡng 1.130 điểm, tương đương mức giá tháng 11 năm 2020. P/E VN-Index kết thúc tháng 10 ở mức 10,9 lần, giảm 9,9% so với tháng 9, tương đương mức thấp giai đoạn tháng 3/2020 khi thị trường giảm mạnh vì Covid-19.

P/E VN-Index do vậy giảm thêm 2 bậc về thứ 5 của các châu Á, trong khi P/E HNX-Index ở mức 13,3 lần, đứng thứ 10 khu vực. Nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV dự báo P/E VN-Index vận động trong vùng 11 - 11,5 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.100 điểm bên cạnh kỳ vọng nhịp hồi phục từ vùng đáy.

Đáng chú ý, vốn hóa toàn thị trường tháng 10 giảm 9,3% so với tháng 9, ghi nhận mức giảm 2 tháng liên tiếp. Vốn hóa do vậy cũng đã giảm 30,7% so với số đầu năm do sự giảm giá trên diện rộng. 

Về diễn biến thị trường trong tháng 11, BSC đưa ra 2 kịch bản như sau:

Với kịch bản 1, tâm lý dần ổn định và lực cầu bắt đáy hình thành mặt bằng giá trên 1.000 điểm, VN-Index có nhịp kiểm tra lại cản 1.050 điểm của mô hình 2 đáy lệch với mục tiêu giá tại 1.100 điểm.

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và hoạt động giao dịch khối ngoại trong khi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong tầm kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy cuối năm và thông tin rõ ràng hơn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là động lực hỗ trợ thị trường hồi phục sau 2 tháng giảm sâu.

Kịch bản 2 được đưa ra dựa trên luận điểm diễn biến tỷ giá, lãi suất và thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục căng thẳng. Các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh tăng lãi suất, chính sách Zero Covid Trung Quốc chưa nới lỏng và cuộc xung đột địa chính trị căng thẳng.

Những điều này vẫn tạo nên tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới và dòng tiền tiếp tục phòng thủ ở các kênh tài sản ít rủi ro hơn. VN-Index được dự báo có thể mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và lui về các vùng điểm thấp hơn đáy 986 điểm.

Dự báo về phiên giao dịch chứng khoán hôm nay 4/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cho rằng, thị trường có thể sẽ tăng điểm và VN-Index có thể sẽ kiểm định đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.030 điểm) trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và trạng thái biến động hẹp này có thể sẽ còn tiếp diễn trong những phiên giao dịch tới.

Điểm tích cực là tâm lý nhà đầu tư tỏ ra không quá bi quan trước thông tin tăng lãi suất của Fed, đặc biệt dòng tiền phân hóa rõ nét cho thấy dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần