[Kịch bản nào tiêu thụ nông sản mùa dịch?] Bài 1: Lúng túng tiêu thụ nông sản

Phương Nga - Ánh Ngọc - Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vùng dịch, trong đó có Hà Nội. Để bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, các sở ngành của TP dù đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong không lưu thông, tiêu thụ nhưng vẫn xuất hiện những điểm nghẽn. Theo các chuyên gia, để hàng hóa lưu thông thuận lợi đến với người dân Thủ đô, người nông dân không rơi vào cảnh được mùa, mất giá, TP cần xây dựng một kịch bản sản xuất, tiêu thụ chiến lược, dài hơi, có thể “sống chung” với dịch.

Dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là khi TP thực hiện giãn cách xã hội, ngành nông nghiệp của Hà Nội đã bộc lộ sự lúng túng trong khâu tiêu thụ nông sản. Trong khi người tiêu dùng phải mua nông sản với giá cao thì tại nơi sản xuất lại xảy ra tình trạng dư thừa cục bộ. Đây là hệ quả của việc cung chưa gặp cầu.
 Các ban ngành, đoàn thể huyện Hoài Đức hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Nguyễn Nga
Nông sản ùn ứ, rớt giá

Theo thống kê của UBND huyện Ứng Hòa, trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, toàn huyện có hơn 400 tấn nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ, trong đó chủ yếu là cá và vịt. Tại các vùng sản xuất, nông dân mất ăn, mất ngủ vì nông sản, vật nuôi đến thời kỳ xuất bán mà khó tiêu thụ. Tại khu chăn nuôi tập trung của xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), trung bình mỗi hộ phải bù hàng triệu tiền thức ăn chăn nuôi/ngày vì vịt, cá không xuất đi được.

Hộ anh Chu Văn Tiến, thôn Lưu Khê, hiện đang nuôi 10.000 con vịt, trong đó có 2.000 con vịt thương phẩm và 8.000 con vịt đẻ. Trung bình mỗi ngày, hộ anh Tiến thu 7.000 trứng vịt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cả vịt thịt và trứng vịt đều rất chậm. Anh Tiến cho biết, nếu như trước đây, thương lái đánh ô tô vào tận trại thu mua vài trăm con vịt và hàng nghìn quả trứng mỗi ngày, thì nay thương lái chỉ thu mua lẻ vài chục con. Không chỉ ế ẩm mà giá vịt còn giảm mạnh so với thời điểm trước giãn cách, từ hơn 40.000/kg vịt hơi giảm xuống còn 32.000 – 33.000 đồng/kg. “Do số vịt đến lứa không xuất bán được trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến gia đình tôi phải bù lỗ hàng triệu đồng/ngày” – anh Tiến than thở.

Không chỉ có vịt, cá cũng là sản phẩm chủ lực của Ứng Hòa gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ông Lê Văn Tín, ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, là chủ sở hữu của 2ha ao nuôi cá thương phẩm cho hay: “Không chỉ khó bán, giá cá cũng đang rớt mạnh. Đơn cử, cá trắm loại 3,5kg trở lên xuất bán 40.000 đồng/kg, rô phi loại 2kg bán với giá 25.000/kg, cá chép loại 1,5kg trở lên bán với giá 39.000/kg. Để giảm chi phí sản xuất, tôi buộc phải cho cá ăn cầm cự chờ tín hiệu khả quan từ thị trường”.

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều hộ chăn nuôi ếch tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cũng mất ăn mất ngủ vì một lượng lớn ếch thương phẩm rớt giá và không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa, các mối buôn lớn ngừng nhập hàng cũng đồng nghĩa với việc chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy. Trại nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Huynh, ở thôn Từ Châu đang tồn 100 tấn ếch thương phẩm. Anh Huynh chia sẻ: “Gần chục năm nuôi ếch nhưng chưa khi nào giá ếch lại rớt thê thảm như thời điểm này. Hiện, ếch thương phẩm chỉ bán được với giá 35.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg) mà sức tiêu thụ cũng rất chậm. Nếu như trước đây, tôi thường xuất bán trung bình hàng 4 – 5 tấn/ngày cho những mối buôn lớn thì nay phải ngậm ngùi bán lẻ cho người dân quanh vùng”.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành Trần Hữu Khoa, nhãn muộn là cây trồng của Đại Thành với tổng sản lượng 3.000 tấn. Tuy nhiên bao năm qua, người nông dân chỉ buôn bán nhỏ lẻ cho các thương lái. Chính vì vậy khi TP giãn cách xã hội để vận chuyển hàng qua các chốt kiểm soát, thương lái phải chấp hành quy định có giấy xét nghiệm Covid-19 và xe vận chuyển phải được cấp “luồng xanh”. Điều này khiến hàng loạt thương lái ngại khó không về thu mua, nông dân rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở” khi không thể xoay sở tiêu thụ. Đáng buồn hơn, giá nhãn chỉ bằng một nửa so với mọi năm đang dao động ở mức 10.0000 – 15.000 đồng/kg.

Nghịch lý cung cầu

Nhìn lại thị trường nông sản thời gian qua, nhất là thời điểm Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đã xảy ra nhiều bất cập trong chuỗi cung - cầu. Những ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng hàng hóa vẫn có dấu hiệu khan hiếm cục bộ, tăng giá. Đơn cử như giá mặt hàng rau và trứng gia cầm tăng từ 30 – 50% so với ngày thường. Một số tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho biết, từ khi dịch bùng phát, việc tìm nguồn để nhập hàng trở nên khó khăn và khan hiếm. Đặc biệt, thời điểm một số chợ đầu mối bị phong tỏa, nguồn cung càng khó khăn hơn, dẫn đến việc tăng giá các thực phẩm là điều bất khả kháng.

Ngược lại, tại các vùng sản xuất các mặt hàng nông sản như Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa… nông dân khốn đốn vì sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ. Chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bị đứt gãy, không chỉ nông dân và người tiêu dùng bị thiệt hại mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, thời điểm giãn cách, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng dư thừa nông sản cục bộ và rớt giá. Sản lượng nông sản cần tiêu thụ khoảng 140 tấn, 200 con chim bồ câu/ngày, 6.600 quả trứng gà/ngày; cùng với đó nhiều hộ chăn nuôi gà, vịt, ngỗng đến thời kỳ xuất chuồng. Để nông sản không bị dư thừa, dồn ứ, các ngành chức năng trên địa bàn huyện cùng với chính quyền địa phương đã tổng hợp và kết nối hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tiêu thụ.

Lý giải về nghịch lý giá nông sản từ ruộng ra chợ thời gian qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, đây là hệ quả của việc “cung” khó gặp “cầu”. Mặc dù TP đã chủ động xây dựng kịch bản, duy trì, phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, song do thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội gặp nhiều khó khăn. “Trong một vài ngày đầu, nhiều xe nông sản đi các tỉnh và ngược lại cũng như trong khu vực nội thành Hà Nội bị tắc nghẽn bởi quá trình xe lưu thông bắt buộc phải qua chốt kiểm soát dịch. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động khiến sức tiêu thụ nông sản giảm mạnh” – ông Chu Phú Mỹ nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do sản xuất nông nghiệp của TP còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Tính đến nay, toàn TP mới xây dựng được 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thực phẩm, tương đương với 15% sản lượng nông sản được tiêu thụ qua chuỗi; 85% còn lại tiêu thụ tư do trên thị trường.

Dẫn chứng thêm về vấn đề này, ở góc độ địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 2.248ha sản xuất rau, củ, quả. Bình quân hàng năm, huyện đưa ra thị trường 69.000 tấn rau, củ và 65.000 tấn quả. Mặc dù vậy, sản lượng rau, củ, quả được kết nối tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, trường học vẫn chiếm tỷ lệ thấp, mới đạt 20 - 30%; còn lại 70 - 80% là tiêu thụ tự do thông qua thương lái bán buôn tại chợ đầu mối, chợ dân sinh trong và ngoài TP.

(Còn nữa)

Nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn ứ nông sản là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất. Hay nói cách khác, người nông dân vẫn bán cái mình có chứ chưa bán thứ thị trường cần.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ