Giải cơn khát kịch bảnCuộc thi viết kịch bản phim truyện khép lại bằng lễ trao giải ngày 31/12. Kể từ ngày phát động, Cục Điện ảnh nhận được 226 kịch bản dự thi, 186 kịch bản hợp lệ, hội đồng chọn ra 8 tác phẩm xuất sắc. Đây là thành công không ngờ, bởi có tới 152 tác giả thuộc 32 tỉnh, thành cả nước dự thi, tác giả nhỏ tuổi nhất là 16 tuổi, cao tuổi nhất đã 82.Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận xét: Kịch bản dự thi có đề tài phong phú từ về lãnh tụ, danh nhân văn hóa, đến chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, thậm chí đề tài nóng và thời sự như Covid-19. Không tìm ra giải Nhất, Ban Tổ chức trao hai giải Nhì cho “Culi không bao giờ khóc” của tác giả Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang; “Thiên mạc hùng ca” của Nguyễn Thị Mai Phương. Cùng với đó là 3 giải Ba cho các tác phẩm. TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi nói rằng, sở dĩ không có giải Nhất vì chưa thực sự có kịch bản nổi trội. Tuy vậy, các giám khảo đều đánh giá cao hai kịch bản đoạt giải Nhì. “Cu li không bao giờ khóc” nêu bật được vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại, thấy được tâm tư của con người Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi của đất nước. “Thiên mạc hùng ca” đáp ứng sự mong mỏi của những người làm điện ảnh. Đây là tác phẩm hòa quyện khá nhuần nhuyễn hai yếu tố lịch sử và dã sử về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của thời Trần.Cục trưởng Cục Điện ảnh nói, Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả của kịch bản đọat giải thưởng có quyền tự chủ động tìm kiếm đối tác và nhà sản xuất để làm phim. Cục sẽ lựa chọn các kịch bản có nội dung phù hợp với tiêu chí sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước để đặt hàng sản xuất trong những năm tới.Gian nan phim đặt hàngKịch bản đạt giải đều được đánh giá khả thi, hứa hẹn là chất liệu để tạo nên bộ phim tốt. Vậy kịch bản có sớm được đưa vào sản xuất hay lại xếp kho, là câu hỏi mà giới làm nghề đặt ra cho lãnh đạo Cục Điện ảnh. “Chúng tôi cố gắng đưa hai kịch bản giải Nhì vào diện được Nhà nước đặt hàng để sản xuất trong thời gian sớm nhất” - ông Vi Kiến Thành bày tỏ.Lâu nay nhiều nhà làm phim phía Bắc than phiền về nỗi khổ và khó khăn có được phim đặt hàng. Hàng năm, Nhà nước vẫn đều đặn đặt hàng phim hoạt hình và phim khoa học. Phim truyện đặt hàng lâu nay chưa thuyết phục công chúng ở chất lượng tác phẩm cũng như ở khâu quảng bá. Thêm nữa, những người làm điện ảnh mua dây buộc mình khi đưa quy định đề tài do phim Nhà nước đặt hàng chỉ xoay quanh bốn chủ đề như chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này, Ban Soạn thảo đổi mới ở điều khoản về chính sách đặt hàng, thêm đề tài về xây dựng con người mới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.Tuy vậy, lãnh đạo Cục Điện ảnh nói, trên phân tích không thể cứ trông chờ vào số ngân sách hạn hẹp từ đặt hàng. Ông cho rằng, điện ảnh phía Bắc cũng nên học hỏi điện ảnh phía Nam khi chủ động vận động và vận hành theo cơ chế thị trường. Điện ảnh phía Bắc lâu nay bị tư duy bao cấp ăn sâu quá, trong khi phía Nam chủ động bước những bước đi đầu tiên vào nền công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa. Tất nhiên, tác phẩm ở giai đoạn đầu này còn một số bất cập, chẳng hạn như chủ yếu tập trung vào đề tài đem lại doanh thu cao. “Đó là quy luật tất yếu, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta đánh giá cả nền điện ảnh phía Nam được. Đây là giai đoạn họ mò mẫm bước chân vào nền công nghiệp điện ảnh, khi họ tích lũy đủ tiềm lực tự khắc có tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, có thể thi thố trên trường quốc tế” - ông Vi Kiến Thành nói.
Tác giả đoạt giải Nhì đều là gương mặt trẻ triển vọng. Phạm Ngọc Lân (tác giả “Cu li không bao giờ khóc”) chính là đạo diễn trẻ dòng phim độc lập. Chàng trai sinh năm 1986 từng học kiến trúc nhưng lại theo đuổi đam mê phim ảnh, làm phim nào ẵm giải phim đó, có thể kể đến các phim ngắn “Một thành phố khác”, “Một khu đất tốt”, “Dòng sông không nhìn thấy” đều tham gia và có giải ở các liên hoan phim ngắn quốc tế có tiếng. |