Kích cầu qua những phiên chợ Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để người dân các huyện tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn giá, từ 22 - 27/1, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức 4 phiên chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Từ Liêm, Thường Tín.

Việc Hapro đưa hàng bình ổn giá về nông thôn đã góp phần bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng.

Chỉ phục vụ các mặt hàng thiết yếu

Có mặt tại phiên chợ Tết tổ chức ở huyện Sóc Sơn mới thấy không khí mua bán tấp nập của bà con. Ông Hoàng Quang Thắng - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội cho biết: Mặc dù phiên chợ bắt đầu bán hàng vào sáng 22/1 nhưng từ chiều tối hôm trước, khi các gian hàng tập kết rất đông người dân đã đến xem để mua sắm. Hầu hết hàng hóa bán tại các phiên chợ này là những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, rượu, bia, đồ khô, gia vị… Đặc biệt hơn, tại 4 chợ Tết, bà con nông dân còn có cơ hội tiếp cận với các mặt hàng trong chương trình dự trữ, bình ổn giá của TP Hà Nội như gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả...Nhằm thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp tham gia bán hàng Tết còn khảo sát thực tế nhu cầu mua sắm của người dân để có cơ cấu hàng hóa phù hợp với các “thượng đế” vùng ngoại thành. Tại 4 điểm bán hàng Tết tại các huyện ngoại thành, Hapro đã chuẩn bị một lượng hàng hóa trị giá gần 10 tỷ đồng. "Chúng tôi cam kết nguồn hàng cung ứng chất lượng, số lượng đảm bảo, giá bán hợp lý cho người dân" - Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn khẳng định.

Ông Tạ Văn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Việc Sở Công Thương và Hapro tổ chức các phiên chợ Tết là một trong những hoạt động tạo đà mua sắm, giúp bà con nông dân có cơ hội mua hàng hóa với giá hợp lý, chất lượng đảm bảo. Có thể nói, những phiên chợ Tết như thế này đã góp phần tiếp sức cho việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hoạt động bình ổn giá của UBND TP Hà Nội.

 
Người tiêu dùng huyện Sóc Sơn mua hàng tại phiên chợ Tết. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng huyện Sóc Sơn mua hàng tại phiên chợ Tết. Ảnh: Hoài Nam
Xếp hàng chờ mua hàng bình ổn

Ngay sau lễ khai mạc, một lượng lớn người dân đã đến chợ Tết mua hàng, nhiều nhất vẫn là mua dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, quần áo… Chị Đặng Thị Nguyên ở thị trấn Sóc Sơn nhận xét: Giá bán một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm… rẻ hơn thị trường bên ngoài từ 10 - 15%. Nhiều người dân thị trấn Sóc Sơn có chung nhận xét: Hàng hóa bán tại phiên chợ Tết đa dạng, phong phú, giúp người dân không phải vào nội thành mua sắm. Hơn nữa, ở đây toàn là hàng Việt Nam có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng, không sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, vì vậy bà con rất yên tâm. Bà Trần Thị Minh ở xã Đức Hóa, Sóc Sơn cho biết: "Nhiều mặt hàng may mặc rất đẹp, giá cả cũng khá hợp lý. Việc Hapro tổ chức "chợ Tết" tại huyện đã giúp gia đình và những người dân trong huyện có điều kiện được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu được UBND TP bình ổn giá".

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nhưng sức mua của người dân khá cao nên đã "xay ra" tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đến lượt mua những mặt hàng trong diện bình ổn giá. Sức mua tăng nên trong ngày khai mạc, các doanh nghiệp tham gia bán hàng tại phiên chợ Tết đều đạt 100% kế hoạch đặt ra, cá biệt có gian hàng bình ổn bán chạy nên doanh thu vượt chỉ tiêu.

Việc tổ chức những phiên chợ Tết trên địa bàn nông thôn đã có những tác dụng nhất định trong việc bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Thực tế cho thấy, trong các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng tại những phiên chợ này, có những mặt hàng chưa phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân ngoại thành, đòi hỏi các doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị hàng hóa cần cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bổ sung vào danh sách dự trữ những mặt hàng có chất lượng, xuất xứ đảm bảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu nằm trong diện bình ổn giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần