Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong năm 2011 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định trong công tác điều hành kinh tế, xã hội từ nay đến cuối năm.

Chính phủ "mổ xẻ" nguyên nhân lạm phát

 

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc trong tháng 8 và "hạ nhiệt" trong tháng 9 khi chỉ số này chỉ còn tăng 0,82% so với tháng 8, mức tăng thấp nhất trong vòng 13 tháng qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,76%. "Mổ xẻ" những nguyên nhân dẫn tới lạm phát, các thành viên Chính phủ cho rằng, cầu kéo (tổng mức đầu tư vượt quá tiết kiệm, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh…) chính là yếu tố chính dẫn tới lạm phát ở nước ta thời gian qua luôn ở mức cao và kéo dài hơn so với nhiều nước. Nhu cầu đầu tư cao, nhưng tiền ít, hiệu quả đầu tư lại thấp nên tất yếu dẫn đến lạm phát cao. Nhìn lại quy mô nền kinh tế nước ta còn rất nhỏ nên cần nhập khẩu nhiều nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị (chiếm 80% GDP), khi giá nguyên liệu thế tăng thì thị trường trong nước cũng bị biến động, tạo thêm "cú hích" đẩy lạm phát cao. Nhưng còn một nguyên nhân ít được nhắc tới hiện nay đó là yếu tố tâm lý của người dân. Có một thực tế, nếu lãi suất tăng 1% thì lạm phát thực chỉ tăng khoảng 0,03%, nhưng nếu "lạm phát tâm lý" tăng 1%, lạm phát thực có thể tăng 0,64%, tức là yếu tố tâm lý tác động tới lạm phát cao gấp hơn 20 lần so với lãi suất. Chính vì thế, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ sẽ không ngừng nỗ lực lấy lại lòng tin của người dân bằng những giải pháp cụ thể.

 

Trước mắt, để lạm phát năm nay ở mức 18% và GDP 6%, Chính phủ sẽ kiên định thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thắt chặt. Thậm chí từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15 - 17%. Đi cùng với đó là thực hiện nghiêm túc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách. Đồng thời, củng cố lòng tin của công chúng vào VND bằng việc minh bạch chính sách, tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa; kiểm soát thị trường giá cả…

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 26/9, tốc độ tăng trưởng GDP quí III cao hơn các quí trước, đạt 6,11%. Tốc độ GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,76%, thấp hơn cùng kỳ năm 2010. Nếu quí  IV có mức tăng tương đương quí III thì GDP cả năm 2011 sẽ đạt được mức 6%.

 

Về lâu dài, lạm phát sẽ được giải quyết bằng các giải pháp kiểm soát tổng cầu và kiểm soát cung ứng tiền cho nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm tập trung vào 3 khâu là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc DN và tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ…

 

"Kiềm chế lạm phát là ưu tiên số một" đó là quyết tâm của Chính phủ trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Điều quan trọng trong giai đoạn 5 năm là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để tạo ra những tiền đề vững chắc cho tăng trưởng.

 

"Nắn" lại các doanh nghiệp Nhà nước

 

Đánh giá về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước trong 5 năm qua và phương hướng mục tiêu trong 5 năm tới, các thành viên Chính phủ cho rằng các quy định liên quan đến công tác quản lý vốn, tài sản tại các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu trong thời gian qua cơ bản đã tạo lập môi trường và điều kiện hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Đa số các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có hiệu quả, đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập khi một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm qua đã "lấn sân" vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính.

 

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu DN Nhà nước tới từng tập đoàn, tổng công ty; thiết kế cơ chế quản lý DN Nhà nước qui định rõ trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động cũng như công tác quản lý cán bộ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu trong thời gian ngắn tới đây, các tập đoàn, tổng công ty cần thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành để tập trung vốn cho các lĩnh vực thuộc lĩnh vực mình được giao.

 

 

Ông Vũ Đức Đam Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ:

Sẽ công khai chuyện lỗ lãi của các công ty xăng dầu

 

"Chính phủ sẽ điều hành chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, không nhất thiết phải dùng hết giới hạn dư nợ tín dụng 20% và tổng phương tiện thanh toán 15 - 16% theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP. Về điều hành xăng dầu, quan điểm của Chính phủ là công khai, minh bạch chuyện lỗ lãi của các công ty xăng dầu, cũng như Quĩ bình ổn xăng dầu. Tương tự, giá điện và các hàng hóa thiết yếu khác cũng phải được công khai, minh bạch".

 

Ông Nguyễn Đồng Tiến Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Giá vàng đang rất  khó lường

 

"Giá vàng hiện nay đang đảo chiều hết sức khó lường, chúng tôi khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, thận trọng trước những động thái đầu cơ, trục lợi của một số người kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước cân nhắc cho nhập khẩu vàng để cân bằng thị trường trong nước với thị trường thế giới".

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần