KTĐT - Tại các thị trường xuất khẩu, một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các đối thủ.
Nhiều áp lực
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước chỉ đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008 và bằng 87,6% kế hoạch năm. Nhưng kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa trong năm đã lên đến 68,8 tỷ USD. Như vậy, trong năm 2009, Việt Nam đã nhập siêu một lượng hàng hóa lên đến 12,25 tỷ USD, bằng 21,64 % tổng kim ngạch NK. Trong năm 2010, Bộ Công thương đề ra nhiệm vụ đưa tổng kim ngạch XK đạt 60,54 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2009, kim ngạch NK đạt 72,66 tỷ USD tăng 5,6%, nhập siêu hàng hóa không quá 20% tổng kim ngạch XK (ước tính đạt khoảng 12,1 tỷ USD).
Nhiệm vụ đề ra là vậy nhưng theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương-Nguyễn Thành Biên: Việc hạn chế nhập siêu trong năm 2010 là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi phần lớn nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu đều nhập từ nước ngoài. Trong khi đó năm 2010, kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi, nên giá cả hầu hết các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đều tăng cao. Giá bình quân nhiều mặt hàng như sắt thép, dầu thô, phân bón, chất dẻo... vào cuối năm 2009 đã tăng mạnh so với đầu năm 2009, nhất là mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó năm 2010, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giải ngân nhiều hơn, dẫn tới nhu cầu gia tăng NK các loại máy móc, nguyên liệu. Không chỉ có vậy, một trong những rào cản việc hạn chế nhập siêu là kim ngạch XK nhiều mặt hàng XK chủ lực như nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao. Các mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá... sẽ khó có sự tăng trưởng lớn về lượng. Đặc biệt, trong năm 2010, lượng dầu thô xuất khẩu sẽ giảm khoảng 3,5-4 triệu tấn do phải dành để phục vụ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản của năm 2010 sẽ giảm khoảng 1,9%.
Tại các thị trường xuất khẩu, một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các đối thủ. Cụ thể, từ năm 2009, Mỹ đã bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may với Trung Quốc nên sức cạnh tranh của mặt hàng này của Việt Nam tại Mỹ vẫn sẽ căng thẳng. Các hàng rào phi thuế quan cùng các biện pháp bảo hộ đang được các nước dựng lên, khiến cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn.
Nhiều biện pháp kiềm chế nhập siêu
Tại hội nghị tổng kết năm 2009 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết: Nhằm kiềm chế nhập siêu, từ nay đến hết năm 2009, Bộ sẽ kiểm soát và hạn chế cho vay NK hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng ôtô và điện thoại di động. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, ưu tiên các mặt hàng trong nước thay thế và sử dụng hàng rào kỹ thuật. Ông Vĩnh nhấn mạnh, hạn chế NK sẽ tập trung vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm và một số máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được. Bên cạnh việc đẩy mạnh XK cần phải có cơ chế kiểm soát nhập siêu hiệu quả, nâng cao mức dự trữ ngoại tệ. "Các mặt hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, linh kiện và phụ tùng xe gắn máy sẽ thuộc diện hạn chế NK. Thép, đá quý, kim loại quý sẽ thuộc nhóm hàng NK cần kiểm soát", Thứ trưởng Vĩnh nói.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ thúc đẩy việc sớm ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương, thiết lập các khu mậu dịch tự do từ đó tạo điều kiện cho XK, qua đó giảm nhập siêu. Tăng cường kiểm soát NK trước khi thông quan đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng tiêu dùng phải nộp thuế trước khi thông quan. Hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng cũng như VSATTP. Tăng cường giám sát việc NK thiết bị máy móc của khối FDI để bảo đảm đúng khối lượng và thời hạn tạm nhập tái xuất của các chủ dự án. Đẩy mạnh việc sản xuất trong nước những mặt hàng nguyên liệu, hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, hàng XK. Tăng cường NK nguyên nhiên liệu cơ bản từ khu vực châu Á, do thuận lợi về khoảng cách, thị hiếu và giá cả phù hợp, hạn chế NK từ khối EU và châu Mỹ. Ngoài ra tăng cường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại thị trường nội. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhất là tại các thị trường mới khai thác, thị trường có nhiều tiềm năng NK hàng hóa Việt Nam, từ đó giúp doanh nghiệp tăng cường hoạt động XK.