Kiểm dịch thực vật - Yếu tố tiên quyết để xuất khẩu hoa quả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,3 triệu tấn hoa quả. Nhưng để hoa quả Việt có thể tiếp cận được những thị trường giá trị cao và khó tính, vấn đề tiên quyết là phải đảm bảo được các yêu cầu kiểm dịch thực vật.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề xuất khẩu hoa quả và công tác kiểm dịch thực vật.

Năm 2015 khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta cần làm gì để có thể tận dụng được cơ hội xuất khẩu trái cây vào các thị trường trong khu vực và quốc tế, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện nay, 1 năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 400.000 tấn hoa quả nhưng chúng ta cũng xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn. Như vậy chúng ta xuất khẩu trái cây gấp 3 lần so với nhập khẩu.

Để xuất khẩu trái cây đi các nước khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác nữa thì chúng ta phải xử lý sản phẩm bằng những biện pháp kiểm dịch thực vật như chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng... Bên cạnh đó, phải đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, chúng ta đã và đang tiếp cận ngày càng nhiều thị trường khó tính. Do vậy, chúng ta phải tổ chức sản xuất quy hoạch thành vùng chuyên canh sản xuất lớn. Theo yêu cầu của các nước nhập khẩu thì các vùng xuất khẩu trái cây phải được cấp mã số vùng trồng nhằm truy xuất nguồn gốc nếu họ phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải áp dụng hiệu quả các công nghệ sau thu hoạch, ví dụ như công nghệ bảo quản. Trong thực tế các nước mạnh về xuất khẩu trái cây đều có công nghệ sau thu hoạch rất tốt nên trái cây có thể bảo quản được lâu và giữ được chất lượng, mùi vị, hình thức...

Để thực hiện được những vấn đề này thì các viện nghiên cứu của ta phải nỗ lực hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây và các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Theo số liệu ông đưa ra, hiện Việt Nam đang xuất siêu trái cây. Nhưng thời gian tới khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, việc nhập khẩu lượng lớn trái cây là điều khó tránh khỏi. Vậy làm thế nào để có thể cân bằng lượng xuất-nhập khẩu và đẩy mạnh thương mại cho ngành hàng này?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Thị trường trái cây trong nước gồm cả trái cây Việt Nam và trái cây ngoại nhập. Chúng ta cũng có những thế mạnh trong xuất khẩu trái cây mà không nước nào có được. Ví dụ thanh long của chúng ta ngon nhất thế giới, vải thiều và xoài cũng có nhiều nước muốn nhập khẩu. Vấn đề ở chỗ chúng ta tổ chức sản xuất như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của nước nhập khẩu, qua đó, doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều hơn nữa sang các thị trường khó tính, giúp nông dân bán được nhiều sản phẩm hơn.

Trong thực tế chúng tôi cũng đang tập trung hướng dẫn các địa phương và nông dân về yêu cầu của các nước đang nhập khẩu trái cây của chúng ta. Cùng với đó là hướng dẫn doanh nghiệp địa phương thực hiện tốt những quy định của các nước nhập khẩu để tăng cường xuất khẩu hoa quả.

Chúng ta đã có những bước tiến trong xuất khẩu hoa quả như vải, nhãn vào được thị trường Mỹ. Nhưng quá trình đàm phán diễn ra rất lâu, xin ông cho biết lộ trình để mở cửa các thị trường nhập khẩu trái cây mới?

Ông Nguyễn Xuân Hồng: Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu cần một khoảng thời gian nhất định để đánh giá nguy cơ dịch hại, sau đó chúng ta phải đưa ra các giải pháp để khắc phục. Để thực hiện được yêu cầu của các nước nhập khẩu, chúng ta cần điều chỉnh sản xuất trong nước. Thời gian để mở cửa 1 thị trường mới tùy theo yêu cầu từng nước nhưng có trường hợp kéo dài tận 5 năm.

Hiện nay chúng ta đã có kinh nghiệm hơn trong việc này. Chúng ta cung cấp các tài liệu và thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu nhanh hơn, đồng thời đã có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan liên quan.

Chúng ta cũng đánh giá các nguy cơ dịch hại để mở cửa thị trường cho các nước đó đưa hàng vào nước ta. Chúng ta có hàng rào kỹ thuật để cùng thương lượng. Điều này cũng phụ thuộc vào thiện chí của các nước xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu chúng ta phối hợp tốt hơn, có mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt hơn, có các chuyên gia giỏi trong những lĩnh vực này thì sẽ rút ngắn được thời gian trong việc thâm nhập thành công các thị trường nhập khẩu mới.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần