Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động

Minh Tường - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 0 giờ đến 4 giờ ngày 17/2, các đơn vị thực hiện việc rào chắn, phân luồng để kiểm định nhằm đánh giá mức độ hư hại của cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động. Các phương tiện qua cầu hướng ra ngoại thành Hà Nội phải chuyển hướng sang cầu Thăng Long.

Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông hồng nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (Hà Nội). Cây cầu có tổng chiều dài 8.930m bao gồm: phần cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755 m với bề rộng mặt cầu 33,2m (6 làn xe chính và 2 làn dừng khẩn cấp).

Được thông xe vào tháng 1/2015, sau 8 năm sử dụng, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ kiểm định cầu Nhật Tân theo định kỳ nhằm mục đích đánh giá hư hại để đưa ra phương án bảo dưỡng, sửa chữa.

Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 1
 Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam bắc qua sông hồng nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (Hà Nội). 

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ cấm toàn bộ các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu Nhật Tân - hướng từ Võ Chí Công đi Võ Nguyên Giáp. Chiều ngược lại các phương tiện lưu thông bình thường. Thời gian cấm từ giờ 12 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.

Trong hai ngày 21 và 22/2, đối với hướng các phương tiện từ Võ Nguyên Giáp đi Võ Chí Công, lực lượng chức năng sẽ tổ chức cấm xe, phân luồng giao thông thành từng đợt, mỗi lần cấm xe vào khoảng 40-50 phút để thử tải sau đó tiến hành thông xe.

Để có thể kiểm định được mức độ hư hại, đơn vị phụ trách dùng 8 xe tải có khối lượng 27 - 30 tấn/xe đỗ tại 3 điểm gần nhau để thiết bị máy móc đánh giá độ võng của cầu. Quy trình dùng xe cỡ lớn để thử tải sẽ được lặp lại 3 lần tại mỗi vị trí để đưa ra số liệu chính xác nhất.

Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 2
Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ kiểm định cầu Nhật Tân theo định kỳ nhằm mục đích đánh giá hư hại để đưa ra phương án bảo dưỡng, sửa chữa.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Việt Hưng – Giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải (Đơn vị phụ trách kiểm định cầu Nhật Tân) cho biết: “Cầu Nhật Tân năm trên trục đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và sân bay Nội Bài. Hàng ngày, cây cầu có hàng chục nghìn lượt phương tiện lưu thông qua. Việc kiểm định định kỳ cây cầu nhằm đánh giá số liệu cũng như phát hiện sớm những hư hại để sớm đưa ra phương án bảo dưỡng, sửa chữa phù hợp”.

Theo ông Trần Việt Hưng, công tác kiểm định cầu Nhật Tân đã được diễn ra nhiều tháng nay, tuy nhiên, đơn vị đang tiến hành khâu quan trọng nhất là thử tải. Việc thử tải sẽ được diễn ra vào ban đêm, nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát nhịp dẫn, nhịp dầm thép liên hợp, khảo sát bê tông cốt thép, khảo sát dầm chủ, dây văng…

Đây là lần đầu tiên cầu Nhật Tân được kiểm định. Sau khi kiểm định, đơn vị sẽ tiến hành đánh giá kết cấu cầu và đưa ra kết quả sau 2 tháng. Sau khi có kết quả, sẽ có căn cứ để đưa ra những biện pháp bảo dưỡng sửa chữa để đảm bảo khai thác công trình cầu Nhật Tân.

Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 3
Đơn vị kiểm định tiến hành chặn 1 chiều cầu trong đêm phục vụ công tác kiểm định. 

Ông Nguyễn Đức Thuyết - Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giao thông Vận tải cho biết: “Chúng tôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào kiểm định cầu Nhật Tân. Về giao động kết cấu nhịp cầu, chúng tôi sử dụng máy đo gia tốc và kết quả thu được sẽ được chuyển trực tiếp về máy tính và so sách với quy định hiện hành. Qua đó sẽ đánh giá được tình trạng của cây cầu”.

Theo ông Nguyễn Đức Thuyết, đây là cây cầu sử dụng dây văng lớn nhất Việt Nam cho nên các thông số, chỉ tiêu phải được đo một cách tỉ mỉ và chính xác nhất, qua đó có thể đưa ra những kiến nghị với đơn vị quản lý.

Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 4
 Việc kiểm định đã được diễn ra nhiều tháng, tuy nhiên khâu quan trọng nhất là thử tải.
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 5
 Để có thể kiểm định được mức độ hư hại, đơn vị phụ trách dùng 8 xe tải có khối lượng 27 - 30 tấn/xe đỗ tại 3 điểm gần nhau để thiết bị máy móc đánh giá độ võng của cầu.
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 6
 Quy trình dùng xe cỡ lớn để thử tải sẽ được lặp lại 3 lần tại mỗi vị trí để đưa ra số liệu chính xác nhất.
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 7
Đơn vị kiểm định lắp đặt cảm biến bên trong các nhịp cầu. 
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 8
 Do phải cấm đường, việc thử tải sẽ được diễn ra vào ban đêm, nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 9
 Tin hiệu sẽ được truyền về trực tiếp máy đo gia tốc.
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 10
Kết quả thu được sẽ được tổng hợp ngay tại cầu. 
Kiểm định cầu Nhật Tân sau 8 năm đi vào hoạt động - Ảnh 11
Các thông số kỹ thuật sẽ được đem so sánh để đánh giá mức độ hư hại của cầu Nhật Tân.