Kiểm kê nhà văn hóa: Vẽ lại bức tranh tối màu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chưa bao giờ bức tranh nhà văn hóa (NVH) tại các xã, phường lại tối màu như hiện nay: mỗi dự án đầu tư tiền tỷ nhưng không phục vụ mục đích. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở VHTT&DL khảo sát đánh giá các hạng mục và hiệu quả hoạt động của NVH.

Những căn nhà đầu tư tiền tỷ bị bỏ hoang

NVH thôn Trung (xã Thanh Liệt, Thanh Trì) không chỉ là khu vui chơi cho trẻ em của nhiều thôn xóm (thôn Trung, thôn Tràng, xóm Giữa…) mà còn là nơi để làng, xã tổ chức các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, toàn bộ khu vui chơi phía ngoài của NVH như xích đu, đu quay, cầu trượt,… bị hỏng hóc. Đến mùa thu hoạch, sân NVH lại trở thành nơi các hộ nông dân "mượn" để phơi thóc. Bà Hoàng Thị Dương, thôn Trung tỏ ra bức xúc: "Mùa màng thì bức bối lắm! NVH nực lên vì oi ả, bụi bay mù mịt".

Cảnh sập sệ kia không chỉ có ở thôn Trung mà còn là hình ảnh quen ở nhiều NVH khác. Theo ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Long Biên: "Mỗi NVH tại các xã, phường được TP đầu tư từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nhưng hầu như không có NVH nào hoạt động hiệu quả vì thiếu các phòng chức năng như: Phòng văn nghệ, thông tin cổ động, truyền thanh…". Hầu hết, NVH trên địa bàn TP giao cho các trưởng thôn, tổ dân phố trông nom, chứ chưa có cán bộ chuyên trách. Vì vậy, mục đích trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đã không được hiện thực hóa, mà nhiều nơi biến thành địa điểm tổ chức đám cưới, trông giữ xe… hoặc bỏ hoang.

Lúng túng tìm “chuẩn”

Để tìm được mô hình chuẩn hoạt động hiệu quả cho NVH là rất khó. Bởi trong quá trình xây dựng quy chế hoạt động, các cán bộ quản lý văn hóa địa phương cho rằng "động" vào đâu cũng "va". Theo quy định của TP, người giữ chức Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm NVH phải có bằng cấp về ngành văn hóa, thuộc biên chế Nhà nước. Các cán bộ làm việc tại NVH sẽ được trả lương hoặc hưởng phụ cấp. Như vậy, nếu bổ nhiệm và tuyển dụng đủ sẽ sinh ra một bộ máy rất cồng kềnh. Chính vì vậy, 7 NVH phường ở quận Long Biên đang "im ắng" chờ TP xây dựng mô hình hoạt động sau quá trình rà soát, đánh giá.

Còn ở thị xã Sơn Tây, sau nhiều năm nhận thấy hoạt động của NVH kém hiệu quả, từ năm 2006, các nhà quản lý đã khảo sát thực tế và xây dựng mô hình hoạt động của NVH làng, tổ dân phố. Ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã cho biết: "37 NVH được xây dựng trên địa bàn Sơn Tây đã được phân chia chức năng hoạt động theo quy mô diện tích. NVH có diện tích rộng được dùng để hội họp, đọc sách, luyện tập và biểu diễn văn nghệ, tập thể dục buổi sáng, sinh hoạt văn nghệ buổi tối. NVH có diện tích nhỏ vẫn tổ chức các hoạt động với quy mô nhỏ hơn, còn NVH không có khuôn viên chỉ dành cho hội họp, đọc sách, biểu diễn văn nghệ...". Nhờ mô hình mới, thời gian vừa qua, hoạt động của NVH ở thị xã Sơn Tây có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, để có thể coi là mô hình điển hình để nhân rộng, hoặc là hiệu quả bền lâu trong xã hội thì còn phải bàn.

Từ năm 2012 đến 2016, Sở VHTT&DL tiến hành thực hiện Đề án “Khảo sát, đánh giá và đề xuất mô hình thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn thành phố”. Phạm vi của đề án bao gồm toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch của TP với hàng ngàn NVH, thư viện, rạp chiếu phim, bảo tàng, sân bãi luyện tập thể thao… Đây là cuộc tổng kiểm kê hệ thống cơ sở vật chất của ngành văn hóa Thủ đô để từ đó tìm ra biện pháp quản lý, phát huy hiệu quả. Nhiều bất cập sẽ được chỉ ra, trong đó có cả vấn đề của NVH cấp xã phường, nhưng giải quyết như thế nào mới là điều làm nhà quản lý văn hóa đau đầu.