Những con số nêu trên cho thấy sự trì trệ trong công tác quản lý, đảm bảo ATTP của cơ quan chức năng. Bởi, nếu so sánh với số liệu đưa ra tại cuộc họp thường kỳ cách đây một tháng, tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C không những không giảm mà còn tăng 6,6% và cơ sở chăn nuôi tăng 8,1%. Một vấn đề nóng khác, là tình trạng lạm thu phí đối với sản phẩm chăn nuôi như một quả trứng "cõng" 5 lần phí đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu làm rõ từ cuộc họp tháng 8, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã bày tỏ sự không hài lòng về chuyển biến chậm chễ trong việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bởi nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được cơ sở giết mổ. Trong khi đó, thực phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn được "tuồn" ra các chợ để tiêu thụ.
Riêng với Thông tư 33, 34, mặc dù Bộ đã cho dừng thi hành nhưng các đơn vị, cá nhân liên quan sẽ phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm tùy theo mức độ. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự chuyển biến; Vụ Tài chính nghiêm túc phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thu phí đối với sản phẩm chăn nuôi.
Trong tháng 9, Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao chất lượng ATTP đối với các sản phẩm măng, bò khô và cá biển. Về sản phẩm rau, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật xác định những vùng trọng tâm, những loại rau có nguy cơ cao để tập trung chỉ đạo khắc phục. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm rau an toàn có xác nhận, có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc trong sản xuất rau. Trước mắt, tập trung tại những nơi cung cấp rau cho các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...