Kiểm soát chất lượng xăng, dầu: Nhiều lỗ hổng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những số liệu công bố sau 3 tháng thanh kiểm tra chất lượng xăng, dầu trên toàn quốc không khỏi khiến nhiều người giật mình.

Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết chuyên đề này vào sáng 31/10, lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như các địa phương đều kêu khó trong vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng xăng, dầu.

Hơn 5 tỷ đồng tiền phạt

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, qua kiểm tra 5.278 cơ sơ, (trong đó 918 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), 4.360 cơ sở xăng, dầu có đến 678 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu của 56 cơ sở, 10 giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo, tịch thu 13 cột đo nhiên liệu, đình chỉ 32 cột đo… Các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu về đo lường, chất lượng. Riêng vi phạm về chất lượng, có tới 90 trong 836 mẫu kiểm nghiệm không đạt. Đặc biệt, qua đợt thanh tra, cơ quan chức năng còn phát hiện 13 lượt vi phạm làm thay đổi tình trạng kỹ thuật của phương tiện đo như lắp thêm, thay đổi các bộ điều khiển điện tử để gian lận đo lường ở Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận… Tổng hợp các cuộc thanh tra diện rộng về xăng, dầu những năm qua, ông Dũng nhận định, tuy số lượng cơ sở vi phạm có chiều hướng giảm (năm 2008 là 17,9% và 2012 là 12,8% trên tổng số cơ sở được thanh tra) song hình thức vi phạm lại đa dạng hơn và có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.

Kiểm soát chất lượng xăng, dầu: Nhiều lỗ hổng - Ảnh 1

Các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng, dầu. Ảnh: Linh Anh

Khó kiểm soát

Sau hàng loạt vụ cháy nổ xe, nghi can số một vẫn là do xăng, dầu kém chất lượng. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có khoảng 13.000 đại lý bán lẻ xăng, dầu, trong đó, khoảng 3.000 cửa hàng trực thuộc hệ thống bán lẻ của các công ty đầu mối. Các doanh nghiệp của 3.000 cửa hàng này đều cam kết thực hiện các bước quản chặt chất lượng, song còn khoảng 10.000 đại lý không kiểm soát xuể. Vì vậy, vẫn còn tình trạng mua nguồn xăng, dầu trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, chất lượng kém để tối ưu hóa lợi nhuận. Minh chứng cho sự khó khăn trong kiểm soát mặt hàng này, ông Dũng nhấn mạnh: Hành trình vận tải xăng, dầu từ tổng kho đến các đại lý là khâu đầu trong chuỗi phân phối xăng, dầu nhưng rất khó kiểm soát và có nhiều khả năng xảy ra các vi phạm về chất lượng như pha chế lại để ăn bớt, nhưng cơ quan thanh tra chuyên ngành không thể thanh tra được đối tượng này. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thanh tra hiện hành, chủ yếu kiểm tra vào giờ hành chính. Vì vậy, những vi phạm ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, lễ, ngành chức năng khó kiểm soát.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, muốn biết xăng dầu đạt chất lượng hay không, khâu kiểm nghiệm chất lượng rất quan trọng, những số liệu của Cục này cho thấy, từ đầu năm đến nay, do thiếu nguồn lực, kinh phí nên chỉ lấy được 358 mẫu. Đại diện Sở KH&CN Đắk Lắk lại nêu khó khăn trong việc lấy mẫu xăng dầu để đánh giá chất lượng, từ lúc gửi mẫu đến khi có kết quả thường 10 - 15 ngày, nên số lượng xăng dầu chứa trong bồn bể lúc lấy mẫu (kể cả xăng kém chất lượng) đã tuồn hết ra thị trường. Còn đại diện các tỉnh Hòa Bình, Long An lại nêu những bất cập trong quy định xử phạt hành chính về vi phạm chất lượng xăng dầu cũng như nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm…

Nhiều ý kiến cho rằng, số cơ sở được kiểm tra và phát hiện vi phạm quá ít so với số cơ sở hoạt động về lĩnh vực này trên khắp cả nước. Vì vậy, tổng số tiền xử phạt hơn 5 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng được cho là kỷ lục từ trước đến nay, nhưng cũng không thấm vào đâu so với thực tế vi phạm.