Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát dưới 4%: Hoàn toàn khả thi

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là dự báo đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý đưa ra tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 tổ chức ngày 4/7.

Lương, giá thực phẩm, xăng dầu có xu hướng tăng… là các yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng giá từ nay đến cuối năm.
Giá điện kéo giá nhà ở, vật liệu xây dựng lên cao
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,64%. Theo phân tích của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Học viện Tài chính, lương thực, thực phẩm; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông… là các nhóm sản phẩm, dịch vụ có biến động giá lớn nhất, tác động tới tăng chỉ số CPI 6 tháng đầu năm 2019. “6 tháng đầu năm, ngoài biến động lớn của giá lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và tác động ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi thì yếu tố tác động lớn tới chỉ số CPI chính là giá điện và giá xăng dầu.
 Giá xăng dầu là yếu tố tác động nhiều đến chỉ số CPI. Ảnh:  Thanh Hải
Theo đó, giá xăng dầu thế giới biến động khá phức tạp và Nhà nước đã điều chỉnh giá xăng dầu nhiều lần. Giá điện tăng 8,6% trong tháng 5 đã làm cho giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh với mức tăng 1,28% so với tháng 4 và nhóm sản phẩm, dịch vụ này bình quân 6 tháng đã tăng mức 2,7%. Điều này cũng góp phần làm tăng chỉ số CPI bình quân trong 6 tháng” - ông Nguyễn Ngọc Tuyến phân tích.
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm ở mức thấp bất chấp các đợt tăng sốc giá điện và xăng dầu vào tháng 3 và tháng 4. Thậm chí, lạm phát so với cùng kỳ năm trước của tháng 6 còn giảm xuống mức 2,61%.

"Đối với giá xăng dầu, Bộ Công Thương phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa lợi nhuận cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm." - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế nước ta đứng trước những thách thức không nhỏ từ kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sự chủ động điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, cộng với nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu trong nước là những yếu tố góp phần làm cho chỉ số CPI thấp.
Giá thực phẩm dự báo vẫn cao
Nhận định về diễn biến giá cả 6 tháng cuối năm, Cục Quản lý giá dự báo, CPI bình quân năm 2019 sẽ trong mức khoảng 3,3 - 3,9%. Như vậy có thể đánh giá việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời gian tới, các yếu tố có thể ảnh hưởng tới chỉ số CPI đó là giá thực phẩm trong nước vẫn dự báo cao.
Hơn nữa, trong tháng 7, Nhà nước sẽ thực hiện tăng lương (thêm 6,92%) trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước đó đối với 8 đối tượng. Trong tháng 9, thời điểm vào năm học mới sẽ có những yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Đáng chú ý, theo dự báo giá xăng dầu thế giới trong thời gian tới diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng nhẹ.
Ông Long cho rằng, vừa qua giá xăng dầu sau nhiều kỳ liên tiếp giảm giá đã góp phần bình ổn giá cả thị trường, kéo giảm lạm phát nên trong những tháng còn lại giá xăng dầu sẽ không còn là “mối đe dọa” đối với CPI.
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019, hỗ trợ cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo.
Các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần kiên trì triển khai những nhóm giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động để kiểm soát lạm phát. Ngoài ra cũng cần tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết kịp thời vướng mắc tại các dự án.
“Để giữ mức CPI bình quân năm 2019 dưới 4%, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá. Đối với các mặt hàng có xu hướng tăng trong thời gian tới đây như lương thực, thịt lợn… cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường” - chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị.