Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát lạm phát vẫn chưa thể yên tâm

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát được xếp thứ hai trong tứ giác mục tiêu gồm tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp nhưng với chủ thể đông nhất trên thị trường là người tiêu dùng, thì đó là mục tiêu số 1.

Điểm quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay đó là không còn bị nhập siêu lớn như trước mà trong 3 năm trở lại đây liên tục xuất siêu. Đặc biệt tính từ đầu năm đến 15/10 đã xuất siêu tới 6,33 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Điều đó chứng tỏ sản xuất đã cao hơn sử dụng (tích lũy và tiêu dùng), tổng cung cao hơn tổng cầu. Diễn biến đó sẽ làm cho lạm phát thấp.
 Người tiêu dùng mua xăng trên phố Hào Nam. Ảnh: Thanh Hải
Yếu tố trực tiếp là chi phí đẩy, tác động đến giá thành sản phẩm và lạm phát. Chi phí đẩy bao gồm chi phí đẩy trong nước và chi phí đẩy do giá nhập khẩu từ nước ngoài. Kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê trong 9 tháng năm 2018 cho thấy, các chỉ số giá liên quan đến chi phí đẩy ở trong nước (chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá vận tải, kho bãi) đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Giá dịch vụ do Nhà nước quyết định năm nay đã được kiềm chế, được giãn tiến độ, nhất là giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện... ngay cả giá xăng dầu cũng được “chia sẻ” cho quỹ bình ổn giá... Chi phí đẩy do giá nhập khẩu từ nước ngoài tăng lên. Cụ thể, 9 tháng giá một số mặt hàng đã tăng so với cùng kỳ như sắt thép tăng 23,9%, dầu thô tăng 33,5%, xăng dầu tăng 26,9%, khí đốt tăng 19,4%, vải các loại tăng 13,9%, lúa mì tăng 13,7%, giấy tăng 11,7%, phân bón tăng 5,7%... Đó là tốc độ tăng tính bằng USD, nếu tính bằng VND còn tăng cao hơn do tỷ giá VND/USD bình quân năm tăng. Tuy nhiên 9 tháng năm nay đã tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước (tăng 0,8% so với tăng 1,53%) góp phần “hãm” tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước.

Yếu tố sâu xa của lạm phát là chất lượng tăng trưởng, thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động có sự cải thiện rõ rệt. Hiệu quả đầu tư thể hiện ở suất đầu tư tăng trưởng trong 9 tháng đã xuống dưới mức 4,9 lần, thấp hơn so với hệ số 5,1 lần của cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng năng suất lao động trong 9 tháng năm nay cũng cao hơn cùng kỳ năm trước khi có tốc độ tăng GDP cao hơn.

Yếu tố có liên quan đến quan hệ tiền - hàng và là yếu tố cuối cùng để lạm phát bộc lộ ra là yếu tố tiền tệ, tín dụng. Lạm phát cơ bản (không kể tốc độ tăng/giảm giá của lương thực, thực phẩm, xăng dầu, các loại dịch vụ do Nhà nước quyết định) vẫn ở mức thấp xa so với tốc độ tăng CPI. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm trước và định hướng cả năm cũng thấp hơn năm trước (dưới 17% so với 18,13%). Mặc dù lượng tiền đồng đưa ra để mua USD năm nay lớn, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, nhưng trong 9 tháng qua tốc độ tăng huy động thấp hơn tốc độ tăng cho vay làm cho tiền từ ngân hàng ra lưu thông nhiều hơn tiền từ lưu thông quay lại ngân hàng, tạo sức ép cho lạm phát. Gần đây các ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động vừa để đáp ứng thanh khoản, vừa để giảm áp lực đối với lạm phát, nhưng cũng làm cho việc giảm lãi suất cho vay sẽ khó khăn.

Một yếu tố quan trọng khác là yếu tố tâm lý. Yếu tố này tuy không là yếu tố kinh tế trực tiếp, nhưng trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, các yếu tố trên chưa thật vững chắc, nếu nó tác động cộng hưởng với nhau và yếu tố tâm lý sẽ làm cho giá cả tăng cao vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.q