Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát rủi ro - chìa khóa tăng trưởng bền vững của VPBank

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giải pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động và rủi ro, cùng với những kịch bản kinh doanh chủ động thích ứng với diễn biến dịch bệnh và điều kiện của nền kinh tế là những “bí quyết” giúp Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trụ vững trong nửa đầu năm 2020 và tiếp tục tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

VPBank cũng là ngân hàng thể hiện trách nhiệm cộng đồng cao khi triển khai một loạt các giải pháp hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam.
Phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy trước các thách thức mới
Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 vừa được công bố của VPBank công bố cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 18.854 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng này ở ngân hàng riêng lẻ đạt tới 12,7%. Đây là mức tăng trưởng bền vững và ấn tượng so với bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay.
Điểm nhấn mang lại kết quả tốt về doanh thu và hoạt động cho vay này chính là phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy của ngân hàng trước những thách thức bất ngờ mới của thị trường. Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong tháng 2/2020, VPBank đã đưa ra những kịch bản kinh doanh mới nhằm tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ đó, nguồn thu lãi thuần từ phí dịch vụ (NFI) của ngân hàng mẹ đã tăng trưởng gần 42% so với nửa đầu năm 2019, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp của NFI trên tổng doanh thu của ngân hàng mẹ đã tăng từ 13% trong 6 tháng đầu năm trước lên 15% cùng kỳ năm nay, góp phần giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào nguồn thu từ lãi.
 Giao dịch tại VPBank Hà Nội. Ảnh: Nha Trang
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp vào sự tăng trưởng ổn định của doanh thu. Kết thúc 6 tháng đầu năm, khoản thu nhập này tại ngân hàng hợp nhất đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Song song với việc đẩy mạnh thu hồi nợ là các giải pháp quyết liệt đã được thực hiện để kiểm soát rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế đang bất ổn.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tính đến cuối tháng 6 đã giảm xuống mức 2,71%, từ mức 2,95% cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống còn 2,07%. Trái với những lo ngại trước đó khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ nợ xấu giảm đã chứng minh sự thành công của những bước đi hướng tới tăng trưởng hiệu quả nhưng bền vững mà ngân hàng đã thực hiện trong thời gian qua.
VPBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất trên thị trường. Đến cuối tháng 6/2020, hệ số CAR của VPBank đạt 11,27% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức 8% được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Sự thận trọng trong phòng ngừa rủi ro còn được phản ánh ở tỷ lệ tăng chi phí dự phòng của ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, chi phí dự phòng của VPBank - nếu loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm ngoái - tăng 8,6%. Tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ là gần 30,4%. Chi phí dự phòng cao cho thấy VPBank luôn thận trọng và đủ tiềm lực tài chính phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh khi nền kinh tế đang ở giai đoạn khó lường.
Ngoài ra, kiểm soát tốt và tối ưu hóa các quy trình và chi phí hoạt động cũng đóng một vai trò tối quan trọng củng cố sự tăng trưởng bền vững của ngân hàng thời gian qua. Chi phí hoạt động hợp nhất của ngân hàng trong 6 tháng qua thậm chí đã giảm 3%. Nếu đặt cạnh tốc độ tăng trưởng 12% của doanh thu hợp nhất, mức giảm này cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của VPBank từ đầu năm đến nay.
“Với thành công đầu đạt được và những bước đi thận trọng, đúng hướng đã được thực hiện trong nửa đầu năm nay, VPBank đã tiếp tục củng cố thêm một nền tảng vững chắc trong giai đoạn tiếp theo, giúp ngân hàng đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm nay” - đại diện VPBank cho hay.
Ngân hàng vì cộng đồng
Không chỉ nhanh nhạy và linh hoạt trong các chiến lược kinh doanh, VPBank còn đề cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Trong “cuộc chiến” chống Covid-19, VPBank đã triển khai một loạt giải pháp vừa chung tay chống dịch, vừa hỗ trợ các cá nhân, DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Mới nhất, ngày 5/8, chứng kiến chính quyền, người dân TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19, VPBank đã ủng hộ 5 tỷ đồng cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, TP Đà Nẵng, và 5 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam để mua sắm các trang, thiết bị y tế quan trọng và cần thiết.
Trước đó, trong tháng 3/2020, VPBank và Công ty con FeCredit đã chuyển 15 tỷ đồng tới Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các đơn vị chức năng có liên quan như Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nhằm góp phần ứng phó, giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh này đối với cộng đồng. Như vậy, tính riêng số tiền mà VPBank đóng góp cho xã hội để chống dịch đã lên tới 25 tỷ đồng.
“VPBank hy vọng và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng chia sẻ của cộng đồng DN và người dân cả nước, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung nhất định sẽ chiến thắng đại dịch, để đất nước sớm hồi sinh, phục hồi kinh tế, ổn định xã hội và tiếp tục trở thành điểm sáng của toàn cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid 19” - Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng thể hiện trách nhiệm cộng đồng, VPBank đã có nhiều giải pháp giảm, giãn nợ cho người vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 4/5/2020) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho thấy, mỗi ngày, ngân hàng giải quyết hàng nghìn hồ sơ giảm, giãn nợ cho người vay.
Cụ thể, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỷ đồng tương ứng với hơn 14.000 trường hợp, và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5 - 3% mỗi trường hợp.

Những giải pháp kiểm soát hoạt động, thúc đẩy kinh doanh linh hoạt, thận trọng và hiệu quả đã mang lại cho VPBank gần 6.600 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương đương 64% kế hoạch lợi nhuận ngân hàng đã đặt ra. Riêng ngân hàng mẹ đóng góp gần 4.200 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.


"Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, VPBank đã có phương án cân đối nguồn lực trong thời gian ít nhất 6 tháng tới, bảo đảm tình hình kinh doanh của ngân hàng được an toàn, hiệu quả nhưng cũng có thể kịp thời hỗ trợ các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, cùng chung tay giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và giảm thiểu các yếu tố tiêu cực." - Đại diện VPBank