Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Thêm một “vũ khí” hiệu quả

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12.

Với những quy định cứng rắn hơn, Nghị định được kỳ vọng sẽ thực sự là một “vũ khí” hiệu quả trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
“Cán bộ ta không phải là nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo” - đó là nhận định từng được đề cập đến nhiều lần khi nói về câu chuyện kê khai, xác minh tài sản của cán bộ. Bởi về nguyên tắc việc kê khai đề cao tính tự giác nhưng thực tế tính hình thức vẫn diễn ra. Trong khi đó, những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực hoặc cơ quan chuyên trách thấy việc kê khai không hợp lý có quyền yêu cầu giải trình lại thiếu.
Nhưng với Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi và đặc biệt, Nghị định 130, nhiều quy định chặt chẽ đã được triển khai để siết lại việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có những quy định cụ thể khiến người kê khai phải thấy rằng, nếu không trung thực, nguy cơ bị phát hiện, bị xử phạt rất lớn. Cụ thể như, kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Hoặc người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Nghị định cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Thực tế, việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập vẫn là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Không phải đến Luật Phòng, chống tham nhũng lần này các quy định mới cấm kê khai không trung thực phải xử lý, nhưng cũng do việc kiểm soát, công khai bản khai không thực chất, nên đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt.
Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Hay nói cách khác kiểm soát tài sản chính là bảo bối để phòng, chống tham nhũng. Bởi vậy, việc thực hiện kê khai, kiểm soát thu nhập theo quy định của Luật và Nghị định lần này có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng.
Hơn thế nữa, cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, làm cho họ “không thể tham nhũng" bởi những chính sách chặt chẽ, minh bạch, có tác dụng kiểm soát lẫn nhau; “không dám tham nhũng" vì không thể che đậy được tài sản, nếu sai phạm cũng sẽ dễ dàng bị xử lý do bị phát hiện tài sản bất minh.

Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể về kê khai, kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc công khai, xác minh ngẫu nhiên, xử lý nghiêm minh việc không trung thực. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, giám sát sẽ tạo nên những hiệu quả mới, phát huy được kênh phòng chống tham nhũng quan trọng này.
Bởi chỉ khi việc kiểm soát đúng, hiệu quả được việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, mới tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Tránh tình trạng số lượng kê khai nhiều, nhưng đúng sai ra sao rất khó “nhận diện” và xử lý.