Kiểm toán chỉ ra loạt sai sót tại Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn trường hợp mất cơ hội vay vốn ưu đãi

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với niên độ ngân sách năm 2019 đã phát hiện ra hàng loạt sai sót, vi phạm trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH). Đó là việc xóa nợ cho nhiểu khách hàng không phù hợp với quy định, điều chỉnh kế hoạch vốn chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có hơn 3.000 trường hợp tuột mất cơ hội vay vốn ưu đãi.

Cụ thể, kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, NHCSXH xóa nợ 19,44 tỷ đồng cho nhiều khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, trong đó, có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội.
 Nhiều sai sót tại Ngân hàng Chính sách xã hội dẫn đến việc hàng nghìn trường hợp mất cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi
Đơn vị này cũng điều chỉnh kế hoạch vốn Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có 3.135 trường hợp không được vay lãi suất ưu đãi tương ứng tiền lãi ưu đãi 2,56 tỷ đồng; áp dụng thời gian ân hạn 12 tháng đối với hầu hết các khoản cho vay học sinh sinh viên không phù hợp quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (chỉ áp dụng trong trường hợp học sinh sinh viên ra trường chưa có việc làm/không có thu nhập); chính sách giảm lãi cho học sinh sinh viên khi trả nợ trước hạn còn bất cập, đối tượng thực sự khó khăn lâu dài như học sinh, sinh viên mồ côi, hoặc hộ nghèo) không được hưởng chính sách do không có khả năng trả nợ trước hạn; chính sách miễn giảm lãi giúp thu hồi và tăng nhanh vòng quay vốn không còn phù hợp do dư nợ của chương trình giảm nhiều; gia tăng cấp bù lãi suất từ NSNN.
KTNN cũng chỉ ra một loạt các bất cập tại NHCSXH, gồm chưa triển khai quản trị hệ thống CNTT đầy đủ theo định hướng, kế hoạch và quy định của NHNN, khả năng hỗ trợ quản lý của hệ thống CNTT chưa hiệu quả, chưa gắn kết được các nhu cầu phát triển nghiệp vụ; chưa ứng dụng CNTT vào việc rà soát thông tin nghiệp vụ; chưa sử dụng các nguồn thông tin đa chiều; còn phụ thuộc công nghệ, dữ liệu, nguồn thông tin từ phía đối tác; mô hình, kiến trúc CNTT chưa hiệu quả, không phù hợp với trình độ cán bộ CNTT. Ngân hàng này cũng chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an toàn tiền tệ; ứng dụng CNTT vào các nghiệp vụ liên quan đến báo cáo tài chính còn hạn chế.  
Cũng tại báo cáo này, KTNN cũng điểm tên một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bảo Việt vượt 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh Hồ Chí Minh vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỷ đồng…
KTNN cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Cụ thể, việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm. Thứ hai, việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN ngày 17/01/2018 chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.
Một số đơn vị hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Cụ thể, một ngân hàng ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỷ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỷ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành L/C; hạch toán thừa lãi dự chi 19,07 tỷ đồng. Ngân hàng A hạch toán thừa lãi dự thu 114,7 tỷ đồng…   
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần