Bắt đầu từ tháng Tám đến trước 30/11/2014, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 7 bộ, ngành Trung ương, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, đôn đốc để nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và phương hướng, biện pháp khắc phục. Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng là hoạt động được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sonla.gov.vn)
|
Nội dung kiểm tra tập trung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng; tình hình, kết quả công tác phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý tham nhũng; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Các bộ, ngành trên xây dựng Báo cáo tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu năm 2013 đến nay để phục vụ công tác kiểm tra đôn đốc của các thành viên Ban chỉ đạo.
Báo cáo cần đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống tham nhũng; nêu bật kết quả thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện và thực hiện các quy định về quản lý kinh tế-xã hội phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua, Ban cán sự Đảng, cơ quan thuộc diện kiểm tra cần xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới; kiến nghị những chủ trương, giải pháp mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo bước chuyển tích cực, mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.