Kiểm tra tận gốc nguồn hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Trung thu, hiện là thời điểm mà một số cơ sở sản xuất bánh Trung thu, kinh doanh đồ chơi trẻ em thường lợi dụng để tiêu thụ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ em.

Kiểm tra tận gốc nguồn hàng - Ảnh 1
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội về những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Đảm bảo ATTP các mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu luôn được người tiêu dùng quan tâm. Vậy, Chi cục QLTT Hà Nội có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng, nhái nhãn mác, thưa ông?

- Theo Kế hoạch số 1316/KH-QLTT, từ nay đến hết ngày 10/9, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN), siêu thị kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn TP. Trong đó, lực lượng QLTT tập trung kiểm tra các sơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Dương Liễu (huyện Hoài Đức)… và các cơ sở sản xuất bánh Trung thu mang tính thời vụ tại các quận, huyện. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; Kiểm tra hàng hóa, hóa đơn chứng từ liên quan, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phục vụ sản xuất…

 Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất bánh Trung thu không đảm bảo ATTP, nhái nhãn mác, lực lượng QLTT còn tiến hành kiểm tra cả những DN kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu. Chi cục QLTT cũng yêu cầu đội QLTT số 1 và số 17 tập trung kiểm tra các nhà hàng, khách sạn sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là việc sử dụng chất chống mốc Na-tribenzoat trong quá trình sản xuất bánh… Đây là nét mới của đợt kiểm tra này.
 
Đội QLTT số 17 kiểm tra cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn                 quận Hoàn Kiếm. 	Ảnh: Hoài Nam
Đội QLTT số 17 kiểm tra cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Dịp Tết Trung thu cũng là thời điểm hoạt động nhập lậu đồ chơi trẻ em tăng mạnh, trong đó có không ít đồ chơi bạo lực, phản cảm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Thưa ông, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ ngăn chặn tình trạng buôn lậu mặt hàng này như thế nào?

- Xác định các quận nội thành là điểm nóng trong chiến dịch kiểm tra các mặt hàng phục vụ Trung thu, nhất là mặt hàng đồ chơi cho trẻ em nên ngay từ đầu tháng 8, Chi cục QLTT đã triển khai lực lượng kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển mặt hàng này.

Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tiến hành việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến đường lưu thông, các cửa hàng kinh doanh và kho hàng tập kết đồ chơi trẻ em, các điểm vui chơi giải trí có bay bán đồ chơi bạo lực, phản cảm... Đặc biệt chú trọng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em trên các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã, chợ Đồng Xuân.

 Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT không chỉ tiến hành kiểm tra công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy và ghi nhãn hàng hóa mà còn lấy mẫu giám định chất lượng với những loại đồ chơi do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhiễm các chất độc hại như chì, cadimi, thủy ngân…

Do các lực lượng chức năng liên tục tiến hành kiểm tra nên cho đến thời điểm này, các mặt hàng đồ chơi bị cấm buôn bán đã được hạn chế bày bán công khai như mọi năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ hàng kinh doanh lén lút tìm đủ cách đối phó với lực lượng kiểm tra.

Một trong những nguyên nhân khiến chủ cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em liên tục tái diễn vi phạm là do chế tài xử phạt còn nhẹ. Năm nay, lực lượng chức năng có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cơ sở sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu vi phạm về vấn đề VSTP, nhái nhãn mác, lực lượng QLTT sẽ tiến hành xử lý theo các quy định xử phạt về ATTP, sản xuất hàng giả, nhái nhãn mác. Đồng thời công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng với mặt hàng đồ chơi trẻ em, tùy vào từng trường hợp cụ thể, lực lượng chức năng có thể áp dụng gộp nhiều mức xử phạt khác nhau. Chẳng hạn với trường hợp là đồ chơi bạo lực, phản cảm nhập lậu, chủ hàng không những bị áp dụng xử phạt theo các quy định về hàng lậu mà còn bị tịch thu tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Với mặt hàng đồ chơi không dán tem hợp quy khi lưu hành sẽ áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ trong việc xử lý. Theo quy định này, hàng hóa vi phạm có thể bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng…

Xin cảm ơn ông!

 
Để đảm bảo chất lượng VS ATTP đối với sản phẩm bánh Trung thu, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, cần tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì, sử dụng phụ gia, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, điều kiện vệ sinh nơi bày bán. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm. (Nhật Nguyên)