Trong điều chỉnh quy hoạch lần này, nhiều vấn đề tồn tại ở giai đoạn phát triển vừa qua sẽ được xem xét giải quyết, trong đó có việc rà soát, định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai.
Mật độ dân số khu vực trung tâm vượt gần gấp đôi
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QHC2011) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã triển khai đến nay trên 10 năm.
Quá trình triển khai cụ thể hóa quy hoạch cho thấy phát sinh một số vấn đề tồn tại, bất cập. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn; phân bổ dân cư còn bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chưa đạt hiệu quả sử dụng đất.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, theo định hướng QHC2011 được duyệt, dân số toàn TP Hà Nội dự báo đến năm 2020 khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, đến năm 2030, dân số khoảng 9 - 9,2 triệu người, đến năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội, tính đến ngày 1/4/2019 dân số hiện trạng toàn TP đã là 8,053 triệu người, vượt 1,93% so với mức quy hoạch tối đa. Còn theo số liệu tại Niên giám thống kê TP Hà Nội năm 2020, dân số hiện trạng toàn TP đã đạt 8,2465 triệu người (trong đó dân số khu vực thành thị khoảng 4,0625 triệu người, dân số khu vực nông thôn khoảng 4,184 triệu người).
Về mật độ dân số được khống chế đến năm 2020 là 2.188 người/km2, trong đó tại khu vực trung tâm Thủ đô là 5.012 người/km2, song đến nay đã lên tới 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo.
Đặc biệt, tại khu vực nội đô lịch sử, dân số theo điều tra hiện trạng hiện cao hơn so với khống chế tại QHC2011 được duyệt. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người nhưng đến nay quy mô dân số đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.
Trong khi đó, tại các khu vực dự kiến lên quận trong tương lai (Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh) và một số khu vực mới (phía Bắc sông Hồng, phía Đông Vành đai 4…) việc phân bố chỉ tiêu dân số thấp, chỉ tiêu đất đơn vị ở quá cao dẫn đến hiệu quả sử dụng đất thấp, gây lãng phí nguồn lực, chưa đáp ứng được chủ trương phát triển lên quận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về các tiêu chuẩn từ huyện, xã thành 7 quận, phường).
Do vậy cần rà soát, đề xuất tăng dân số để tăng hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai.
Định hình lại chỉ tiêu của các khu vực
Trước thực tiễn quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn, phân bố dân cư còn chưa hợp lý tại một số khu vực, việc nghiên cứu, rà soát, định hình lại các chỉ tiêu về dân số, mật độ cư trú và phân bổ dân số cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của điều chỉnh Quy hoạch chung lần này.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng thông tin, trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung đã đưa ra dự báo phát triển quy mô dân số của Thủ đô đến năm 2030: khoảng 11,410 – 11,950 triệu người (trong đó dân số thường trú khoảng 10,5 – 11,0 triệu người); đến năm 2045: khoảng 13,740 – 14,600 triệu người (trong đó dân số thường trú khoảng 12,5 - 13,2 triệu người).
Về phân bổ dân số, điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ đưa ra hai nguyên tắc. Thứ nhất, giữ nguyên dân số tại các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái theo định hướng QHC 2011.
Thứ hai, rà soát, phân bổ lại dân số khu vực trung tâm để đạt mức từ 10.000 - 12.000 người/km2, theo quy định của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Trong đó, khu vực nội đô lịch sử vẫn kiên định chủ trương giảm dân số xuống 0,8 triệu người. Khu vực nội đô mở rộng cần hạn chế tăng dân số.
Các khu vực phát triển mới gồm phía Bắc sông Hồng (chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng); phía Đông Vành đai 4 (chuỗi đô thị phía Đông Vành đai 4) cơ bản thuận lợi cho phát triển đô thị cần phân bổ lại theo hướng tăng dân số, phù hợp với định hướng dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm tới các khu ở mới, giảm áp lực cho hạ tầng cơ sở đô thị nội đô lịch sử.
Các khu vực định hướng hình thành quận, phân bổ dân số bảo đảm mật độ >12.000 người/km2, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.
Trên cơ sở dự báo dân số đến năm 2045 và định hướng phát triển không gian toàn đô thị; căn cứ các quy định về chỉ tiêu dân số, đất đai đô thị tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng 2021, định hướng tổ chức không gian và đặc thù phát triển đô thị, hiện trạng phân bổ dân cư của từng khu vực, đơn vị tư vấn đề xuất định hướng phân bổ dân số dự báo dân số đến năm 2045 cụ thể tại từng hu vực như sau:
Đô thị trung tâm 10,34 triệu người, mật độ 9.622 người/km2. Trong đó, TP phía Bắc sông Hồng (khu vực đô thị) 2,92 triệu người, mật độ 7.575 người/km2; đô thị Long Biên - Gia Lâm 1,57 triệu người, mật đô cư trú 11.147 người/km2; chuỗi đô thị Nam Sông Hồng 5,63 triệu người, mật độ 12.234 người/km2; đô thị sông Hồng - sông Đuống 0,22 triệu người, mật độ 2.499 người/km2.
TP phía Tây, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn 2,21 triệu người, mật độ 8.206 người/km2. Trong đó, TP phía Tây (khu vực đô thị) là 1,08 triệu người, mật độ 8.015 người/km2; đô thị vệ tinh 0,69 triệu người, mật độ 7.674 người/km2; thị trấn sinh thái 0,26 triệu người, mật độ 8.115 người/km2; thị trấn 0,18 triệu người, mật độ 14.263 người/km2.
Qua hơn 10 năm thực hiện QHC 2011, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó trong quá trình tổ chức triển khai nhiều vấn đề định hướng chưa được thực hiện tốt, điều này dẫn đến xuất hiện những vấn đề bức xúc của đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học, bệnh viện…
Và thực trạng khó khăn nhất mà TP đang phải đối mặt đó là mật độ dân cư quá cao trong khu vực trung tâm. Điều này cho thấy chất lượng phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian qua chưa được tốt. Nhiều khu đô thị mới xuất hiện ở khu vực vành đai nhưng không đủ sức hấp dẫn dân cư từ trong nội thành ra, không giúp cho quá trình tái phân bố dân cư của TP.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Tô Anh Tuấn
Khu vực ngoại thị 2,05 triệu người, mật độ 1.017 người/km2. Trong đó, khu vực ngoại thị thuộc TP phía Bắc là 0,32 triệu người, mật độ 1.291 người/km2; khu vực ngoại thị thuộc TP phía Tây 0,13 triệu người, mật độ 1.120 người/km2; khu vực nông thôn 1,6 triệu người, mật độ 969 người/km2.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, với tốc độ gia tăng nhanh như hiện nay, việc định hướng dân số dự báo đến năm 2030; dự kiến đến năm 2045, năm 2050 cũng là nhiệm vụ khó khăn; đòi hỏi TP cần tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng phát triển các khu vực đô thị mới để thu hút dân cư đến sinh sống, tạo điều kiện giãn dân khu vực nội đô, đồng thời yêu cầu có sự quản lý chặt chẽ vùng nhằm giảm việc tăng dân cư cơ học từ các khu vực lân cận vào trung tâm TP.