70 năm giải phóng Thủ đô

Kiên định mục tiêu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thay đổi những chỉ tiêu đề ra, đó là quyết tâm của Chính phủ được tiếp tục đề cập tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.

Trong đó, mức GDP tăng 6,7% là tốc độ tăng cao nhất từ 2008 đến nay. Đây là chỉ tiêu cần và có khả năng đạt được.

Cần bởi nhiều lẽ. Đây là tiền đề vật chất để thực hiện các mục tiêu quan trọng khác về xã hội (giảm thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...); về bảo vệ và cải thiện môi trường. Đây là tiền đề tăng tốc độ và quy mô GDP bình quân đầu người, ngăn chặn tụt hậu xa hơn, chống nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Có khả năng, bởi có nhiều yếu tố tác động. Đây là sự tiếp tục đà cao lên của tăng trưởng trong 4 năm qua. Ở đầu vào, vốn đầu tư tiếp tục tăng lên với tốc độ cao hơn (khoảng 11,1% so với 9,1%) và quan trọng là định hướng hiệu quả sử dụng cao hơn có hệ số ICOR thấp hơn (4,6 lần so với 4,8 lần). Ở đầu ra, tiêu thụ trong nước đang có đà tăng cao; tốc độ tăng xuất khẩu (10%) tuy không cao hơn, nhưng về quy mô tuyệt đối đã cao lên... Tuy có thách thức, nhưng cũng có cơ hội khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Lạm phát được định hướng cao hơn năm trước (5% so với dự đoán tăng 2,5%). Ở đây có vấn đề quan trọng là chuyển đổi tư duy từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”. Năm 2014, 8 tháng năm 2015 và khả năng cả năm 2015 lạm phát rất thấp. Lạm phát thấp cũng có 2 mặt: Một mặt đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác cũng dễ làm cho kinh tế bị trì trệ; hơn nữa, CPI tăng thấp có một phần quan trọng do giá cả thế giới giảm, nhất là xăng dầu, lương thực... Do vậy, nếu định hướng năm 2016, CPI tăng 5% thì cũng được cho là hợp lý, vì CPI tăng thấp hơn tăng trưởng GDP. Hơn nữa, giá xăng dầu sau một thời gian dài tăng thấp có thể tăng cao trở lại và tỷ giá cũng có thể tăng cao. Vẫn phải lưu ý cần chuyển từ tư duy kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.

Năm 2016, mục tiêu xuất khẩu tăng 10% là tích cực, bởi xuất khẩu là động lực của tăng trưởng; hơn nữa, việc thực hiện các FTA sẽ tạo điều kiện để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, với những yếu tố giống như từ trung tuần tháng 8/2015 và những thách thức từ các FTA, có thể nhập khẩu tăng cao hơn năm 2015 và nhập siêu cũng sẽ cao lên. Nhập siêu cao lên sẽ làm mất cân đối kinh tế vĩ mô. Đây là cảnh báo cần thiết.

Định hướng năm 2016, vốn đầu tư/GDP cao hơn cả về tốc độ tăng (khoảng 11,7%), tăng nhẹ về tỷ lệ/GDP. Vấn đề đặt ra là hiệu quả đầu tư phải cao hơn. Với tốc độ tăng GDP 6,7%, với vốn đầu tư/GDP 31%, thì hệ số ICOR năm 2016 có khả năng thấp hơn của năm 2015 (4,6 lần so với trên 4,8 lần), tức là hiệu quả đầu tư cao hơn. Như vậy, năm 2016 vừa phải huy động vốn đầu tư cao hơn, vừa phải sử dụng có hiệu quả hơn.