Kiến giải để làm “sống lại” 4 sông nội đô Hà Nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều chia sẻ, những giải pháp… đã được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra ở Toạ đàm làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét, diễn ra chiều 22/8, tại Hà Nội.

Sự kiện do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Vai trò xương sống

Đại diện Ban Tổ chức, TS.LS Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho rằng, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm TP Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường được UBND TP phê duyệt từ tháng 12/2021.

Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.

Do đó, Toạ đàm được tổ chức để làm rõ hơn tính khả thi của các giải pháp được đề cập trong dự thảo đề án nói trên. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội lắng nghe, tập hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị liên quan để gửi đơn vị lập Đề án (Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội) hoàn thiện trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt, triển khai.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án chia sẻ tại buổi toạ đàm. Ảnh: Khắc Kiên
PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án chia sẻ tại buổi toạ đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Tại toạ đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án đã trình bày dự thảo đề án.

Theo dự thảo đề án, sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị. Cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên.

Trong đó, cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị.

Thời gian qua, dù TP có rất nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả thoát nước và cải thiện chất lượng nước 4 con sông nội đô, quá trình thực thi, tổ chức điều hành các chương trình, dự án chưa tích hợp trong xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả hơn từ các nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển của TP; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.

Để giải quyết các vấn đề trên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực về Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050; Xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của TP nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;

Đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội...

Quan điểm của đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đó là, phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 con sông nội đô được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội; Lấy phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường nước;

Kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và các giá trị lịch sử văn hóa; tái kết nối dòng sông với không gian ven sông và khu vực phát triển hai bên trong việc phục hồi và phát triển hệ thống sông nội đô; Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng, đa dạng hoá nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm thu hút đầu tư.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Tạo dòng chảy và bổ sung nước sạch

Rất nhiều ý kiến góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học đưa ra cho dự thảo đề án. GSTS Trần Đức Hạ - Ủy viên BTV Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, Đề án cần tính đến 2 giải pháp công trình và phi công trình.

Công nhân môi trường vớt rác làm sạch trên sông Tô Lịch. Ảnh: Thanh Hải
Công nhân môi trường vớt rác làm sạch trên sông Tô Lịch. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế, sông nội đô là linh hồn của thành phố nên cần nghiên cứu kế thừa, điều tra cập nhật lại hiện trạng sông hồ. Làm rõ chức năng khai thác tài nguyên nước mùa khô và mưa liên quan đến sông Hồng và Nhuệ.

Đặc điểm của TP Hà Nội là thoát nước chung nên đối tượng xả thải dọc sông không thể thu gom được vào hệ thống, hoặc hệ thống nước thải chiếm 12% tổng lưu lượng thải vào sông, nhưng tập trung và phi tập trung cần được xử lý trước khi thải ra sông.

Quá trình xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông có nạo vét, nhưng không toàn bộ mà cần lưu giữ các mầm thủy sinh đặc trưng của dòng sông, kết hợp kè sông cùng xây dựng các thảm thực vật 2 bên bờ sông.

Sông phải có dòng chảy bằng cách bổ sung nước sạch theo đúng chức năng là sông thoát nước mưa. Bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để đảm bảo dòng chảy làm cân bằng hệ sinh thái và cấp nước nông nghiệp mùa khô cho khu vực phía Đông Hà Nội.

Đồng thời, những công trình trong sông tạo không gian du lịch, cũng như tự làm sạch cho sông bằng các hệ thống lọc, phun nước.

GS.TS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi lại cho rằng, để sống lại các dòng sông phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s mới cho phép xả thải vào, nhưng hiện 4 dòng sông của Hà Nội đều không đạt được tốc độ này.

Nếu dòng chảy không tự nhiên cần phải bổ cập như Tô Lịch hiện nay tốc độ dòng chảy bằng 0, nếu có dòng chảy dòng sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông.

Bổ sung trạm bơm bổ trợ nguồn nước không phù hợp với tốc độ cần thiết lại tốn kém, đập sông Hồng dâng nước cũng không hy vọng cho sông, chỉ có khả năng cung cấp cho nông nghiệp. Nhưng về lâu dài cần tính toán để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế.