Kiên Giang đứng đầu ĐBSCL về doanh nghiệp đăng ký mới qua mạng điện tử

HỒNG LĨNH – THU NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiên Giang hiện đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử. Trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng điện tử là 841 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 20.203 tỷ đồng, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Theo kế hoạch, năm 2022 có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn là 19.600 tỷ đồng

Dẫn đầu khu vực ĐBSCL
Nhờ những quyết tâm trong việc đẩy mạnh triển khai phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử mà số lượng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử năm 2021 tăng cao so với năm 2020, cụ thể năm 2021 có 4.698 lượt đăng ký tăng 16% so với năm 2020. Trong đó đăng ký mới là 841 lượt, tăng 5% so với năm 2020 và có 2.442 lượt đăng ký thay đổi, tăng 19% so với năm 2020. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 64,33% trên tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Kiên Giang hiện đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử. Trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng điện tử là 841 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 20.203 tỷ đồng, dẫn đầu khu vực ĐBSCL.
 Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cho biết: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng điện tử năm 2021 dẫn đầu khu vực ĐBSCL.
TP Phú Quốc là 3.455 lượt tăng 34% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới là 777 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 2.678 lượt), tại TP Rạch Giá là 646 lượt giảm 21% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới 200 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 446 lượt), tại Châu Thành là 130 lượt tăng 25% so với năm 2020 (trong đó đăng ký thành lập mới là 60 lượt, đăng ký thay đổi, giải thể là 70 lượt), thành phố Hà Tiên là 107 lượt giảm 5% so với cùng kỳ (trong đó đăng ký thành lập mới là 36 lượt, đăng ký thay đổi là 71 lượt). Thực hiện nhận và trả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua đường bưu điện 2.133 lượt doanh nghiệp chiếm 29% tổng lượt hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả.

Để đạt được những kết quả trên, theo đánh giá của Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang là do: Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Ban Giám đốc Sở trong công tác đăng ký doanh nghiệp và phát triển kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp thành lập của tỉnh đứng thứ 2 và số vốn đăng ký thành lập mới đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, số lượng doanh nghiệp giải thể giảm 17% so với cùng kỳ (trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua mạng đứng đầu khu vực ĐBSCL). Nhờ sự quyết tâm và triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký qua mạng tăng 37% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2020 như: số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 20%. Về nguyên nhân, tình hình dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, phải thực hiện tạm giãn ca, giảm tiến độ sản xuất để phòng chống dịch bệnh, việc giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả không cao; nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn từ đầu vào như thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất, đến đầu ra như thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; lượng khách du lịch đến Phú Quốc giảm mạnh, một số doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ, du lịch, vận tải giảm nhân sự, quy mô, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
 Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng nhiều Doanh nghiệp ở Kiên Giang đã cố gắng vươn lên lên, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó Công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Trường Phát là một điển hình. 
Vấn đề nữa là khó khăn về nguồn vốn, tiếp cận tín dụng, hạn mức cho vay và lãi suất ngân hàng: Vòng quay vốn chậm do nguồn tiền từ các hợp đồng xuất khẩu về chậm so với giai đoạn trước đây. Hiện các ngân hàng có hỗ trợ tín dụng nhưng hạn mức còn thấp, thủ tục giải ngân dựa vào các hợp đồng xuất khẩu, tuy nhiên tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn.
Năm 2022 sẽ có 1.400 doanh nghiệp thành lập mới

Theo kết hoạch năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và định hướng đến năm 2023; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính Phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/CP ngày 03/6/2017 của Hội Nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên cập nhật công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thủ tục hành chính và thực hiện các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực góp phần phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền, tăng cường các hình thức hỗ trợ, hướng dẫn trực tuyến cả về quy trình nghiệp vụ và thao tác kỹ thuật, giải đáp vướng mắc cho người nộp hồ sơ, đăng ký qua mạng điện tử.

Năm 2022 phấn đấu giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 01 ngày đối với thành lập mới và đăng ký thay đổi là 0,5 ngày, phấn đấu trả kết quả tại chỗ 20% số doanh nghiệp cấp đổi tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Về đăng ký kinh doanh: Số doanh nghiệp thành lập mới là 1.400 doanh nghiệp với tổng vốn là 19.600 tỷ đồng; có 242 doanh nghiệp giải thể và thu hồi 1.520 doanh nghiệp. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 10.230 doanh nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt từ 65% trở lên trên tổng số lượt hồ sơ, trên địa bàn huyện Phú Quốc là 100% số hồ sơ.