Kiên Giang: Hơn 2.300 tàu không đăng ký, đăng kiểm

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị triển khai ký kết phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh để thanh tra, kiểm tra chung trong hoạt động khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, năng lực quản lý của lực lượng chấp pháp trên biển chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác thực thi pháp luật thuộc thẩm quyền cấp huyện còn nhiều hạn chế, nhất là việc xử lý vi phạm hành chính gần như buông lỏng. Công tác quản lý phương tiện tại địa phương thiếu chặt chẽ, để phát sinh quá nhiều tàu không đăng ký, đăng kiểm, với hơn 2.300 chiếc…
Tỉnh Kiên Giang có hàng ngàn tàu cá hết phép khai thác nhưng chưa đăng ký lại
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, tình trạng phân lô bán nền, tranh chấp ngư trường khai thác với nhau, giữa nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản thường xuyên diễn ra, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên biển.
Tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính hủy diệt còn nhiều nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để…
Để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, ven đảo, nâng cao nhận thức cộng đồng về tái tạo nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển nghề cá có trách nhiệm, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý các hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và triển khai phối hợp thanh tra, kiểm tra chung tại vùng biển ven bờ, ven đảo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc ký kết phối hợp hành động là một quyết tâm chính trị lớn để lập lại việc quản ý vùng biển ven bờ, ven đảo, đảm bảo cho phát triển thủy sản bền vững cũng như đề án tái cơ cấu lại khai thác thủy sản của tỉnh.
Theo kế hoạch, từ nay cho đến tháng 12/2021, đoàn thanh tra, kiểm tra chung sẽ thực hiện việc kiểm tra và xử lý các phương tiện sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản; các phương tiện làm nghề cấm khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, ven đảo; các phương tiện hoạt động khai thác không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép, hoạt động sai vùng, sai nghề.
Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt tuyên truyền Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đại diện các sở ngành và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo ký kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra chung 6 tháng cuối năm 2021

Theo ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, ngành chức năng đã đề nghị các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu cá xin cấy lại giấy phép khai thác thủy sản trước khi ra khơi đánh bắt; yêu cầu chủ tàu có gắn thiết bị giám sát hành trình phải mở thiết bị 24/24 giờ khi hoạt động thủy sản trên biển.
Đồn biên phòng các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn không cho những tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định ra khơi hoạt động.
Theo ông Thao, việc tàu cá không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản mà vẫn lén lút ra khơi hoạt động là vi phạm các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Từ đầu tháng 7/2021, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực, chủ tàu cá sẽ bị phạt tiền hàng trăm triệu đồng cho những lỗi như thế này...