Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang: Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 12/5, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phối hợp với UBND TP Phú Quốc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP giữa tỉnh Kiên Giang với các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang và Trà Vinh.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt 44.611,876 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 131.591 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 802 triệu USD. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 13.604,472 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 41.651 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 232,01 triệu USD.

Các doanh nghiệp tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh Hữu Tuấn
Các doanh nghiệp tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP. Ảnh Hữu Tuấn

Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm Huỳnh Nhân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Với tiềm năng, lợi thế về du lịch của Phú Quốc, việc Sở Công Thương tỉnh phối hợp cùng Sở Công Thương các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang tổ chức hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại TP Phú Quốc. Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của địa phương, quảng bá được hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm.

Dừa sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre tại hội nghị. Ảnh Hữu Tuấn
Dừa sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre tại hội nghị. Ảnh Hữu Tuấn

Tại hội nghị này, tỉnh Kiên Giang có các sản phẩm tham gia kết nối như: Nước mắm truyền thống Phú Quốc, rượu sim, trà túi lọc hoa đậu biếc, chả lụa Tân Hiệp, khô cá cơm, tiêu Phú Quốc…

Trong khi đó, ông Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cho rằng: Từ khi triển khai chương trình sản phẩm OCOP đến nay Trà Vinh có 184 sản phẩm; trong đó 62 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao. Kết quả trên cho thấy, sản phẩm OCOP của tỉnh Trà Vinh ngày càng đa dạng và có nhiều tiềm năng để phát triển. Đồng thời, đây được xem là cơ hội mở rộng thị trường và mang lại nhiều giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo TP Phú Quốc tặng quà cho các lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh. Ảnh Hữu Tuấn
Lãnh đạo TP Phú Quốc tặng quà cho các lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh. Ảnh Hữu Tuấn

Tham gia hội nghị lần này, Sở Công Thương Trà Vinh tổ chức Đoàn gồm 15 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, hàng tiêu dùng và đặc sản của tỉnh với hơn 35 sản phẩm các loại như: Gạo ST25, gạo sạch, rau củ quả các loại, trái cây, các sản phẩm từ mật hoa dừa, trái dừa, đậu phụng, bánh kẹo và nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh....

Các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ. Ảnh Hữu Tuấn
Các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ. Ảnh Hữu Tuấn

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp trong đó dừa là cây trồng chủ lực có tổng diện tích 78.000 ha, với khoảng 390 triệu trái. Trong năm 2022, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa ước đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 14,06% so cùng kỳ, chiếm 10% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa ước đạt 420 triệu USD, tăng 11,52% so cùng kỳ, chiếm 27,81% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, Bến Tre còn có lợi thế phát triển cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng….

“Tính đến nay, tỉnh Bến Tre có 200 sản phẩm với 77 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 110 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm của tỉnh đã kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại, mở ra nhiều triển vọng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài” ông Bé Sáu thông tin thêm.

Tỉnh Hậu Giang, có 175 sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm 4 sao và 107 sản phẩm 3 sao, 82 chủ thể tham gia và 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 30%/năm.

Lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh mong muốn: Tiếp tục thực hiện các buổi kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp với các tỉnh thành nhằm tăng cường cơ hội hợp tác, giao thung giữa các địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, Trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn kinh doanh thương mại tại các tỉnh thành.

Cũng tại hội nghị này đại diện nhiều doanh nghiệp của các tỉnh tham gia kết nối cung cầu đã giới thiệu sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối của các tỉnh đã tham gia ký kết được 45 biên bản ghi nhớ.