Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã giới thiệu 10 nhóm nội dung cần lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thể chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí về nội dung dự thảo Luật Đất đai, đồng thời tham gia ý kiến về các vấn đề như: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất v.v..
Trong đó, đáng chú ý đại diện tổ đại biểu huyện Gò Quao ý kiến đối với việc đất có mặt nước biển thì vấn đề đấu giá đất như thế nào, để định hướng quy hoạch lấn biển tại các huyện, thị thành như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương...
Phát biểu tại kỳ họp, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai, qua đó góp phần tạo ra chính sách phù hợp, phát huy nguồn lực đất đai, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành có sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác.