Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nơi phát sinh, điều này nhằm định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải như là một nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Đối với tổ chức, cá nhân tái chế rác, phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu sạch. Khi đó, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí bóc tách các thành phần, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn nhờ nguyên liệu đầu vào loại chất thải không bị lẫn những thành phần không phù hợp.
Ông Phùng Quốc Bình – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện phân loại rác thải trên phạm vi toàn tỉnh: Quyết định 05/2024/QĐ-UBND, ngày 7/2/2024 về quy định việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn; Kế hoạch 151/KH-UBND, ngày 5/6/2023 về thực hiện quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Dự kiến đến ngày 31/12/2024, Kiên Giang sẽ tiến hành phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Để triển khai có hiệu quả việc phân loại rác thải sinh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từ năm 2022, địa phương đã triển khai mô hình “Phân loại và xử lý rác thải thực phẩm bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO” tại 2 huyện Gò Quao và An Minh.
Với việc đưa mô hình IMO vào thí điểm đã đạt được kết quả ngoài mong đợi, tạo chuyển biến tích cực đến nhận thức của người dân, thay đổi dần thói quen chuyển qua sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay mô hình được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Gò Quao, An Minh và một số địa phương khác như TP Rạch Giá, các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Tân Hiệp, Kiên Hải.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phùng Quốc Bình – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang khẳng định: Thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng các mô hình nhỏ đã thí điểm, nâng cao công tác quản lý chất thải, hướng đến hình thành và phát triển thành nền kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, địa phương thực hiện các giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện phân loại rác tại nguồn như: tiếp tục thực hiện công tác truyền thông và nhân rộng, phát triển các mô hình tạo sinh kế bền vững từ tài nguyên rác; tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp cơ sở về quản lý chất thải nói chung và phân loại rác tại nguồn nói riêng.
Đồng thời, tham mưu, tổ chức thực hiện quy hoạch địa phương, để sớm hình thành và hoàn thiện dần hạ tầng kỹ thuật cho quản lý chất thải để đảm bảo tất cả chất thải rắn được quản lý tốt để tái sinh, tái tuần hoàn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ông Phùng Quốc Bình cho hay.