Kiên Giang: Xây cầu 200 tỷ nối 2 bờ Đông – Tây huyện An Minh

Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi - Sáng ngày 23/2, tại thị trấn Thứ 11, huyện An Minh (Kiên Giang) đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng cầu Thứ 11 vượt kênh Tân Bằng – Cán Gáo.

Mô hình cầu thị trấn Thứ 11 huyện An Minh
Mô hình cầu thị trấn Thứ 11 huyện An Minh
Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh Hồng Lĩnh
Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh Hồng Lĩnh

Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Phỉ - Chủ tịch UBND huyện An Minh chia sẻ: Đây là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với huyện, là công trình có quy mô lớn đầu tiên vượt kênh Tân Bằng – Cán Gáo nối liền hai bờ Đông – Tây.

Cầu Thị trấn Thứ 11 là công trình trọng điểm có tính chất liên kết vùng với trung tâm huyện An Minh, tạo thành trục giao thông kết nối phía Đông với các huyện vùng U Minh Thượng, phía Tây kết nối vào trục đường ven biển đi xuống tỉnh Cà mau. Khi cầu Thị trấn Thứ 11 đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, do đó việc khởi công xây dựng công trình này sẽ tạo ra niềm phấn khởi cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

Công trình Cầu Thị trấn Thứ 11 (vượt kênh Tân Bằng - Cán Gáo) có tổng chiều dài 1,76 km, tổng mức đầu tư của dự án 200 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến 36 tháng kể từ ngày khởi công. Đơn vị trúng thầu xây dựng là Công Ty TNHH Xây dựng Trường Phát.

 

An Minh là huyện thuộc vùng U Minh Thượng – nơi ăn cứ kháng chiến qua các thời kỳ, nằm cách xa trung tâm của tỉnh; có diện tích tự nhiên 59.055 ha, dân số trên 118 ngàn người, kinh tế chủ yếu của huyện là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.

Huyện An Minh có tỉnh lộ 967 đi qua, chạy dài tiếp giáp từ huyện từ huyện An Biên đến huyện Thới Bình (Cà Mau), và đường hành lang ven biển Phía nam kết nối xuống trung tâm tỉnh Cà Mau; ngoài ra còn có kênh Tân Bằng - Cán Gáo chạy song song với đường tỉnh 967 chia địa giới An Minh thành hai phía bờ Đông và phía bờ Tây, được kết nối với nhau bằng các cầu sắt có tải trọng nhỏ (dưới 3,5 tấn).

Mặt khác, đặc điểm của huyện An Minh có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống giao thông nông thôn đầu tư còn hạn chế, do đó việc đi lại giao thương hàng hóa của người dân gặp không ít khó khăn.