Kiến nghị “bịt” kẽ hở chính sách thuế với Grab

Lê Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam vừa gửi văn bản tới Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đề nghị thu hồi hoặc sửa đổi văn bản số 384/TCT-TNCN ngày 8/2/2017 của Tổng cục thuế về Chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi.

Văn bản này được dựa trên ý kiến của doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Taxi Hà Nội, TPHCM phản ánh những bất hợp lý, kẽ hở để Grab và một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải lợi dụng, gây thất thu ngân sách Nhà nước và tạo thế cạnh tranh không công bằng trong vận tải.
Theo đó, sau những "lùm xùm" về cách tính thuế của taxi công nghệ từ khi thí điểm, đến đầu năm 2017, Tổng Cục thuế đã ban hành văn bản nêu trên gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách thuế. Theo Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam, qua sau 2 năm thực hiện đã cho thấy có những bất cập, nội dung thiếu rõ ràng tạo ra kẽ hở để trốn thuế từ văn bản nêu trên. Điểm nổi bật nhất trong đó là Tổng cục Thuế đang "nhầm lẫn" khi xác điịnh bản chất ngành nghề kinh doanh của Grab.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: Internet.
Cụ thể, nội dung "Công ty TNHH Grab Taxi khai và nộp thuế theo quy định hiện hành đối với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh" được nêu trong văn bản số 384 là chưa xác định đúng bản chất ngành nghề kinh doanh của Grab.
Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng đây là sai sót nghiêm trọng và dẫn Quyết định số 24 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để lý giải. Cụ thể, theo Quyết định 24 thì bản chất chất của Grab taxi là kinh doanh về công nghệ, cụ thể ở đây là kết nối giữa vận tải và hành khách.
Do đó, doanh thu của Grab về dịch vụ cho thuê công nghệ kết nối giữa vận tải với hành khách thì Grab kê khai và nộp thuế theo ngành nghề mà Grab kinh doanh và quy định của pháp luật.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng khi thực hiện thí điểm theo Quyết định 24 nêu trên, giữa Grab và đơn vị kinh doanh vận tải lại thực hiện theo hình thức là bên vận tải và bên Grab ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân chia doanh thu, không đơn thuần là cung cấp về công nghệ. Do đó đã dẫn đến nhiều vấn đề như thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo ATGT, đảm bảo quyền lợi của người lao động, nghĩa vụ thuế với nhà nước đang bị đùn đẩy giữa 2 bên, gây không ít hệ lụy.
Tổng cục Thuế khi hướng dẫn về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Grab và các đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Grab lại cũng theo cách làm này của Grab, mà không bám vào chủ trương cho phép thí điểm của bộ GTVT. Và do đó càng làm cho vấn đề phức tạp hơn.
Trong văn bản 384 nêu trên, có quy định: "Công ty Grab Taxi có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định đối với doanh thu, thu nhập được chia theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Về nội dung này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng theo quy định hiện hành, kinh doanh vận tải khách theo hình thức taxi chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã được phép kinh doanh. "Nay Tổng cục Thuế lại đề cập đến "cá nhân" dẫn đến không thống nhất, cách hiểu rất khác nhau", Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam nêu rõ và cho rằng Tổng cục thuế cần phải xem xét để thu hồi hoặc sửa đổi văn bản 384, cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra về cách tính thuế nêu trên trên và công bố công khai cho các đơn vị vận tải được biết.