70 năm giải phóng Thủ đô

Kiến nghị Chính phủ khống chế giá mua bản quyền Ngoại hạng Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ khống chế giá mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019.

Cụ thể, VNPayTV đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo về giá mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 theo hướng: Nếu bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 có giá cao hơn mùa giải 2013-2016 trên 20% thì thống nhất không để các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các Đài mua bản quyền phát sóng tại Việt Nam.

Đồng thời, đơn vị nào mua được với mức giá như mùa giải 2013-2016 hoặc cao hơn dưới 20% có trách nhiệm chia sẻ lại cho các đơn vị khác ở mức hợp lý, cụ thể tỷ lệ các trận đấu phát độc quyền thấp hơn mùa giải 2013-2016.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong mùa giải 2013-2016, K+ đã chi 33,5 triệu USD để mua gói độc quyền phát sóng EPL. Cộng với cả số tiền mà Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, SCTV và VTVcab bỏ ra để mua gói không độc quyền thì các đơn vị truyền hình của Việt Nam đã phải tiêu tốn tổng cộng 38 triệu USD. Theo các chuyên gia về truyền hình, việc các công ty truyền hình phải bỏ ra 38 triệu USD để mua bản quyền lên sóng EPL 3 mùa giải 2013-2016 là số tiền quá lớn so với quy mô của thị trường Việt Nam.

Theo đề xuất của VNPayTV với Chính phủ, các DN truyền hình của Việt Nam chỉ được phép trả không cao hơn quá 20% của số tiền 38 triệu USD (tức là dưới 45,6 triệu USD) cho bản quyền phát sóng EPL 3 mùa giải 2016 - 2019. Đơn vị mua được bản quyền sau đó phải chia lại quyền phát sóng cho các đơn vị truyền hình khác mà không được phép độc quyền.

Trong văn bản này, VNPayTV cũng nhận định giải bóng  đá Ngoại hạng Anh là giải bóng đá có giá bản quyền đắt nhất so với các giải bóng đá của các nước Châu Âu; nhất là tại thị trường châu Á và Việt Nam. Việc giá bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh tăng đột biến tại Việt Nam theo từng mùa giải đã mang lại nguồn lợi quá mức cho các tổ chức kinh doanh nước ngoài. Do đó cần có giải pháp để từng bước hạn chế việc lợi dụng nhu cầu và thị hiếu của người hâm mộ trong nước, đồng thời ngăn chặn hoạt động kinh doanh kiếm lời quá mức, gây sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam, làm thất thoát nguồn ngoại tệ của đất nước, gây lãng phí và ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước đó, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị truyền hình của Việt Nam không được giành giật để mua bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh bằng mọi giá, tránh lãng phí.