Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hưng cho biết: Trên địa bàn có 161 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. UBND huyện đã ban hành các văn bản tăng cường quản lý di tích, yêu cầu các xã, thị trấn kiện toàn BQL di tích, cử người trông coi bảo vệ...
Thực hiện đề án “Quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cách mạng trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, giai đoạn 2012 - 2015 tại huyện Mê Linh có 20 di tích đã được Sở VH&TT, Bộ VH-TT&DL thỏa thuận về hồ sơ tu bổ, tôn tạo; một số di tích đang được thi công, còn lại vẫn chưa được triển khai tu bổ, tôn tạo do chưa có kinh phí.
|
Đoàn giám sát của HĐND TP làm việc với UBND huyện Mê Linh |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đến hiện tại đã tu bổ, tôn tạo một số di tích như: Chùa Liên Hoa (xã Liên Mạc), đình Phú Mỹ (xã Tự Lập), đình Văn Lôi - đình Cư An (xã Tam Đồng)... Theo rà soát mới đây, Phòng VHTT đã tham mưu UBND huyện lập danh mục xây dựng kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp, phát huy giá trị các di tích kết hợp phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, trong đó 5 di tích cần bảo tồn, chống xuống cấp: Đình Phú Mỹ (xã Tự Lập), đình Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), đền Hồ Đề (xã Tráng Việt), đền Đinh Nguyên (xã Tiến Thịnh), đình Đại Bái (xã Đại Thịnh).
Cũng theo Phòng VHTT, tổng khái toán dành cho công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng tại huyện giai đoạn 2012 - 2020 là 382,908 tỷ đồng, trong đó ngân sách 30%, còn lại từ xã hội hóa (XHH) và các nguồn khác. Công tác XHH tu bổ, tôn tạo di tích đạt kết quả đáng khích lệ, trong đó, nhiều di tích đã được xây dựng từ nguồn XHH.
Theo Đề án “Quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cách mạng tại huyện giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2030” đã được phê duyệt, nguồn kinh phí XHH là 268,036 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn I là 159,819 tỷ đồng, đã trùng tu tôn tạo 10/18 di tích, với số tiền huy động hơn 48,67 tỷ đồng.
Một số di tích không nằm trong Đề án cũng được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn XHH; một số di tích thuộc giai đoạn II đã được trùng tu, tôn tạo bằng kinh phí Nhà nước và XHH...
Theo lãnh đạo huyện, khó khăn hiện nay chính là các di tích trên địa bạn đã tồn tại lâu năm, chịu nhiều tác động của khí hậu nên ngày càng xuống cấp. Trong khi, một số xã tập trung nhiều di tích nhưng đời sống kinh tế khó khăn nên chưa thể thực hiện XHH trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng.
Kinh phí đầu tư cho công tác này từ ngân sách thì hạn chế, mà khó khăn trong huy động vốn XHH, nhất là các di tích xuống cấp nghiêm trọng đang cấp bách cần trùng tu, tôn tạo nhưng không có kinh phí.
Vì vậy, cùng với cố gắng của địa phương, UBND huyện đề xuất TP ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích những người trực tiếp trông coi di tích; bổ sung kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích tại huyện nhằm phát huy giá trị di tích kết hợp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện cũng kiến nghị Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện xây dựng tour du lịch văn hóa tâm linh đến đền Hai Bà Trưng và các di tích liên quan; Sở VH&TT đưa hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong kế hoạch năm 2018.
Lắng nghe các ý kiến, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cho rằng: Thực tế, số di tích đã xuống cấp tại huyện là khá lớn, nên qua buổi khảo sát này, đoàn giám sát sẽ tổng hợp lại những di tích cần tu bổ tôn tạo, nhất là với những di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, sẽ đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ huyện bằng “vốn mồi”, như bằng chương trình vốn sự nghiệp văn hóa hoặc chương trình mục tiêu.
“Sau thông tin nắm được, chúng tôi sẽ làm việc với Sở KH&ĐT và Sở VHTT để làm rõ về vấn đề này”, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP khẳng định.