Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Baku, Azerbaijan sáng ngày 20/11, đại diện của Việt Nam cho rằng sự thiếu tin tưởng và hành động chưa thiết thực khiến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến BĐKH chưa hiệu quả.
Đó là kết quả của Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2023, cho thấy các cam kết hiện tại là chưa đầy đủ.
Vì vậy, trong bài phát biểu của mình tại Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nói việc thực hiện những gì đã cam kết sẽ tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia và khai thông những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong đàm phán ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo ông, các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện trách nhiệm của mình; phải cắt giảm mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” trước năm 2040, sớm hơn đáng kể so với các nước đang phát triển.
Ngoài ra, mức đóng góp tài chính khí hậu cần đạt 1.000 tỷ USD mỗi năm cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 để các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi công bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. Nguồn lực tài chính dành cho thích ứng phải tương xứng cho giảm nhẹ, phải minh bạch, có thể kiểm chứng, thuận lợi trong tiếp cận.
Thêm nữa, các quốc gia cần triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn hiện nay và khẩn trương xây dựng NDC3.0 cho giai đoạn tiếp theo.
Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của Liên Hợp quốc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thực hiện Sáng kiến về Cảnh báo sớm cho tất cả (Early Warning for all) với trọng tâm là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hoàn thiện Hệ thống Cảnh báo sớm, ứng phó với thiên tai.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết năm 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận. Hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, bão nhiệt đới xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam và tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thực hiện NDC vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, chiến lược dài hạn, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời chúc mừng và đánh giá cao Cộng hòa Azerbaijan vì sự phát triển và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, cũng như công tác tổ chức tuyệt vời và kết quả của COP29.
Đây là Phiên họp cấp cao (diễn ra vào ngày 19 và 20/11) để nghe tuyên bố từ các quốc gia không phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của các nhà lãnh đạo thế giới (WLCAS) diễn ra vào ngày 12 và 13/11.
Tại Phiên họp ngày, mỗi nước được mời phát biểu khoảng 3 phút nêu những ưu tiên của quốc gia và kiến nghị gửi tới Hội nghị COP29.
* Bài viết này được thực hiện với sự bảo trợ của Đối tác truyền thông về Biến đổi khí hậu COP29, do Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews và Trung tâm Hòa bình và An ninh Stanley tổ chức.