Nguy hiểm khôn lường
Dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang mới đây đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt tồn tại cần xử lý.Dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang vốn được coi là cao tốc “châm trước” bởi không đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn để vận hành như một tuyến cao tốc thực thụ.
Trên thực tế Dự án chỉ nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng đã được đổi tên thành cao tốc và hiện vẫn cho ô tô đi chung với xe máy.
Cụ thể, QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức thu phí hoàn vốn từ 25/5/2016, mức phí từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt, nhưng vẫn thiếu đường gom dành cho xe máy, buộc loại phương tiện này phải lưu thông chung với ô tô, tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT.
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Chủ đầu tư Dự án phải hoàn thành đường gom cho xe máy trước Tết Nguyên đán 2017. Tuy nhiên đến nay, gần 8 tháng của năm 2017 đã đi qua, đường gom vẫn chưa thấy.
Tỉnh Bắc Ninh đã liên tục kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư và đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường phải có phương án đảm bảo ATGT cho người tham gia giao thông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường cho biết, QL1 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 20,5km, được nâng cấp cải tạo trên nền đường cũ, chỉ thảm thêm nhựa, không mở rộng và chưa thi công xây dựng đường gom dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.
Từ tháng 5/2016 tuyến đường đã được Bộ GTVT “châm trước” trở thành đường cao tốc, gắn biển “CT03” trên toàn tuyến; đồng thời cho khai thác sử dụng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Nhưng khi hệ thống đường gom chưa được xây dựng thì QL1 chưa thể đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, việc “châm trước” áp dụng tiêu chuẩn đường cao tốc trên đoạn tuyến QL1 này đã làm cho tình hình trật tự, ATGT có nhiều diễn biến phức tạp hơn.
Ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra tại một số nút trọng điểm, TNGT tăng trên cả 3 tiêu chí. Từ 10/6/2016 - 10/6/2017, trên tuyến QL1 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra 11 vụ TNGT (tăng 5 vụ), làm chết 9 người (tăng 7 người), bị thương 5 người (tăng 5 người).
Phía tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị, trong khi chưa đảm bảo các yếu tố, tiêu chuẩn đường cao tốc, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tháo dỡ hệ thống biển báo “ CT03 đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh” trên tuyến QL1 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Trước phản ứng dữ dội của 2 địa phương là Bắc Ninh và Bắc Giang, Bộ GTVT đã phải “hạ” tuyến đường này về đúng chuẩn QL. Được biết, tiến độ của tuyến đường gom cho xe máy đi lại vừa được Bộ GTVT gia hạn đến hết năm 2018. Nhưng mới đây, Kiểm toán Nhà nước còn tiếp tục chỉ ra một số bất cập tại dự án nêu trên.
Nhiều cái sai
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước cũng vừa chỉ ra một loạt tồn tại trên tuyến cao tốc được châm trước này dẫn đến chênh lệch, phải xử lý tài chính hơn 90 tỷ đồng do sai khối lượng, sai đơn giá và các sai khác.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chất lượng công tác lập tổng mức đầu tư Dự án chưa cao làm tăng mức đầu tư gần 490 tỷ đồng. Công tác lựa chọn Nhà đầu tư, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT, hồ sơ đề xuất còn sai sót chưa được Tổ chuyên gia chấm thầu phát hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát của đại diện Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ ở một số khâu dẫn đến một số hạn chế, sai sót trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Việc tính toán, xác lập các chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính của Dự án còn chưa phù hợp, chưa đủ dữ liệu tin cậy, việc tổ chức đếm xe trên tuyến của đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát xác định lưu lượng xe trong phương án tài chính còn hạn chế, chỉ tiêu xe khách, xe tải không đồng nhất giữa quá trình khảo sát, dự báo lưu lượng phương tiện.
Căn cứ vào kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, giảm thời gian thu phí hoàn vốn xuống 1 năm 2 tháng so với phương án tài chính ban đầu, hoặc giữ nguyên thời gian thu phí nhưng điều chỉnh giảm giá vé bình quân 7,6%.
Ngoài ra, việc Bộ GTVT công bố danh mục dự án đầu tư cải tạo nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT vào ngày 11/10/2013 là trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương triển khai dự án.