70 năm giải phóng Thủ đô

Kiến nghị tu bổ, tôn tạo cụm di tích quốc gia đền Trấn Vũ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chùa Cự Linh trong khuôn viên cụm di tích đền Trấn Vũ không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ nên không ăn nhập với khuôn viên của di tích. Chính vì vậy, các nhà khoa học đề xuất nghiên cứu tu bổ chùa Cự Linh, để không gian di sản phù hợp giá trị truyền thống.

Đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học “Về giá trị văn hoá – lịch sử cụm di tích đền Trấn Vũ – chùa Cự Linh” (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cụm di tích  quốc gia đền Trấn Vũ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn. 
Cụm di tích  quốc gia đền Trấn Vũ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn. 

Kiến nghị tu bổ chùa Cự Linh

Cụm di tích đền Trấn Vũ gồm có: Đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh. Do lịch sử, chùa Cự Linh cũ đã đổ nát, không còn, hiện chỉ còn một số di vật như bia đá, tháp mộ, tượng thờ… Chùa Cự Linh ngày nay là chùa được phục dựng.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho rằng, cụm di tích đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh cần được tu bổ, tôn tạo để bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích này, hướng tới xây dựng khu di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc vùng ven kinh đô Thăng Long Hà Nội, gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025 theo nguyện vọng của người dân nơi đây.

Trong đó, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo chùa Cự Linh được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học góp ý tại hội thảo. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - Hội Văn nghệ Dân gian: "Chùa Cự Linh trong khuôn viên cụm di tích đền Trấn Vũ hiện nay không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ nên không ăn nhập với khuôn viên của đền – chùa gốc và sinh hoạt truyền thống.

Vì vậy, cần quy hoạch và dựng lại chùa cũng như tu bổ lại đền, để tạo thành một chỉnh thể hài hòa, phù hợp với truyền thống. Đền Trấn Vũ có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là Báu vật quốc gia, hiện còn là nơi diễn ra tục kéo co ngồi - Di sản thế giới. Vì vậy, khi chùa Cự Linh được quy hoạch, tu bổ khang trang, đúng phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ cần xếp hạng thành cụm Di tích đặc biệt cấp quốc gia để có hướng và cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo tồn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch”.

Dưới góc độ nghiên cứu di sản văn hóa thông qua các tư liệu cổ GS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng chia sẻ những nghiên cứu về di sản văn hóa thông qua các tư liệu cổ để nêu bật giá trị di tích. Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân: “Do nhận thức tách bạch giữa đền và chùa trong thời gian qua, nên việc tôn tạo, xây dựng chùa và điện Mẫu Cự Linh khá lộn xộn. Cần quy lại thành một hệ thống di tích thống nhất, có không gian để tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, cũng như mở tuyến du lịch cho khách tham quan. Hướng tới xây dựng khu di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc vùng ven kinh đô Thăng Long - Hà Nội”.

Chùa Cự Linh là một thành phần của cụm di tích

Tại hội thảo, TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho rằng nên đưa chùa Cự Linh là thành phần của cụm di tích đền Trấn Vũ và chùa Cự Linh. Lý do là hồ sơ đề nghị Bộ VH&TT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận di tích quốc gia năm 1990 đã không đưa chùa Cự Linh như một thành phần của cụm di tích đền – chùa. Nguyên nhân bởi những nghiên cứu, khảo sát về giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể chưa được đầu tư kỹ lưỡng.

Thực tế, tấm bia có niên đại xác định thuộc thời Lê Trung hưng đã xác nhận nơi này vào thế kỷ XVII-XVIII đã từng có một ngôi đền và ngôi chùa. Đó là chùa Cự Linh và Trấn Vũ Quán hiện nay. Những điều tra hồi cố và khảo sát thực địa qua những phát hiện của dân làng cho thấy nhiều dấu tích còn sót lại của ngôi chùa cổ. Những pho tượng hiện đang được thờ trong chùa vốn là những pho tượng nằm trong Phật điện của ngôi chùa, ít nhất có từ thời cuối Nguyễn. Những thông tin ấy cho cho phép hy vọng tìm thêm những chứng cứ mới về ngôi chùa Cự Linh trong quá khứ, nếu có sự đầu tư công sức và thời gian, qua những hố thám sát khảo cổ học trong khuôn viên hiện nay, để thêm những bằng chứng khoa học, khi ngôi chùa trở thành một thành phần của di tích có sức thuyết phục hơn.

Đồng quan điểm nói trên, TS Nguyễn Doãn Minh, cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và điều chỉnh các hạng mục cho phù hợp với công năng, kiến trúc cụm di tích đền Trấn Vũ – chùa Cự Linh là cần thiết. Tuy nhiên, bố cục tổng thể cũng như công năng các hạng mục cần chặt chẽ, thoả mãn về mặt thị giác khi cùng đặt trên một bình đồ. Về nhận thức, cần vận dụng triệt để kiến trúc về trục trung tâm của ngôi đền, trục trung tâm của ngôi chùa, phân chia các hạng mục chính phụ, sắp xếp, bố cục các hạng mục chính trước, phụ sau.

Những hạng mục mang tính chất động trước, tĩnh sau, theo một quy luật thường được áp dụng như: Lấy hướng của ngôi đền, ngôi chùa là chính thì việc bày trí các hạng mục còn lại là tử Tây, văn Đông, võ Tây. Vì vậy, những hạng mục như khu phụ thường phải điều chỉnh ra phía sau hoặc về cuối hướng gió của công trình chính.

Sau hội thảo, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định phương án tu bổ, tôn tạo đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh, nhằm sớm đề xuất để HĐND quận Long Biên thông qua và quyết định tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị lịch sử quần thể di tích.