Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên quyết chấn chỉnh hoạt động biểu diễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng thời gian gần đây, trên đường phố giữa trung tâm Hà Nội vẫn xuất hiện những quảng cáo thiếu thẩm mỹ như: Chương trình nghệ thuật không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ đoan trang.

Tại khu vực ngoại thành, nghệ thuật về làng càng nhiều trò hời hợt. Trước những sai phạm đang "nóng" trong dư luận, sáng  20/9, Sở VHTT&DL Hà Nội đã tổ chức cuộc họp bàn nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.

Khe hở trong cấp phép

Vừa qua, không chỉ có chương trình "Vũ điệu đường cong" gây phản ứng dữ dội trong dư luận vì quảng cáo phản cảm, sai với nội dung cấp phép với dòng chữ: "Không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ đoan trang". Trước đó, những băng rôn như kiểu: Mai Quốc Huy - đệ tử chân chuyền của Chế Linh; Chế Linh - 30 năm tái ngộ… cũng treo tới tấp trên đường phố Hà Nội, không chỉ gây mất mỹ quan đường phố vì số lượng băng rôn dày đặc mà còn ở nội dung thiếu thẩm mỹ.
 
Kiên quyết chấn chỉnh hoạt động biểu diễn - Ảnh 1
Băng rôn quảng cáo liveshow bị thu hồi giấy phép của ca sĩ Chế Linh.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội: Một trong những nguyên nhân gây khó đối với cơ quan quản lý ở Hà Nội là nhiều chương trình Sở VHTT&DL Hà Nội không cấp phép trực tiếp mà chỉ tiếp nhận giấy phép biểu diễn của đơn vị tổ chức nên không kiểm soát được hết nội dung chương trình. Hầu hết các chương trình kể trên đều xin cấp phép ở Thanh Hóa, Hải Phòng…
 
Cũng vì những bất cập tồn tại khá lâu này, ông Chiêm cho biết đã kiến nghị với Bộ VHTT&DL cho phép cơ quan quản lý địa phương có đơn vị xin biểu diễn được cấp phép bằng văn bản chứ không chỉ tiếp nhận giấy phép.Tình trạng lộn xộn trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn không chỉ xảy ra ở khu trung tâm thành phố.
 
Theo các nhà quản lý văn hóa Hà Nội, các huyện càng ở xa trung tâm càng gặp khó khăn khi đón tiếp các đơn vị đến địa bàn biểu diễn. Đại diện huyện Đan Phượng than thở rằng: "Có thời điểm huyện tiếp liên tục 3 - 4 đoàn chèo hoặc xiếc. Nhiều chương trình công lập về huyện tổ chức dù có bán vé nhưng nội dung quá sơ sài, chưa kể có những đơn vị yêu cầu phải có sân khấu nên huyện vẫn phải chi ra 3 đến 5 triệu đồng để hỗ trợ đoàn".
 
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 24 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó Hà Nội chiếm 6 đơn vị, T.Ư là 11 đơn vị, vì thế hoạt động biểu diễn ngày càng sôi động và cũng nảy sinh nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Quốc Chiêm thừa nhận: Đã có không ít lần Sở VHTT&DL phải giải quyết hậu quả của những chương trình quảng cáo sai sự thật diễn ra trên địa bàn.

Vấn nạn của quảng cáo rao vặt

Hoạt động quảng cáo, rao vặt cũng được nhắc đến trong Hội nghị triển khai Chỉ thị 65/CT - BVHTT&DL như một "vấn nạn" mà cơ quan quản lý Hà Nội đang tập trung giải quyết. Theo ông Phạm Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội, vi phạm quảng cáo, rao vặt hiện nay "nặng" nhất là việc phát tờ rơi và treo phướn. Nhiều đơn vị tổ chức đã "lách" Luật Quảng cáo bằng cách in nhiều tờ rơi rồi cho người phát tán ở các ngã tư đông người qua lại, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới giao thông công cộng. Hoạt động treo phướn lại có vẻ tinh vi hơn, cứ thứ Bảy và Chủ nhật khi cơ quan quản lý nghỉ làm thì các đơn vị cho người giăng phướn ở những góc khuất của khu phố, đến thứ hai đầu tuần cho người dỡ xuống để che mắt cơ quan quản lý.

Không những vậy, theo ông Phong, nhiều đơn vị tổ chức cụ thể là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đang làm sai quy định về quảng cáo khi cho xe lưu động, hoặc taxi, thậm chí là xe máy chạy luồn lách trong các khu phố rao quảng cáo bằng loa đài, gây ồn ào khu dân cư.Trong Hội nghị triển khai Chỉ thị 65/CT - BVHTT&DL, Sở VHTT&DL đã kêu gọi các đơn vị cùng góp sức cam kết thực hiện các quy định về hoạt động biểu diễn, quảng cáo để việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được thực hiện tốt.