Kiến tạo con người mới, văn hóa mới

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội ngày 20/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN”.

Một bước cao hơn trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là bước đưa nước ta thành một nước phát triển vào năm 2045 đã bắt đầu. Để đạt mục tiêu đó, cần phải nhanh chóng quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Việc cấp bách nhất
Chúng ta dễ thống nhất với nhau rằng, con người là chủ thể tạo ra mọi của cải vật chất, mọi giá trị tinh thần, sáng tạo ra lịch sử của mình, nghĩa là sáng tạo ra văn hóa.
Sinh ra ở Việt Nam, mỗi người không thể không dìu dặt lời ru: Con cò bay lả bay la, Bầu ơi thương lấy bí cùng; mắt nhìn không thể không dợn đỉnh Trường Sơn, lòng không thể không nghe Biển Đông vỗ sóng... Như vậy, chính văn hóa, môi trường sống đã sinh ra con người, một sản phẩm xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ tham gia lớp bổ túc văn hóa của công nhân Nhà máy ô tô 1/5, Hà Nội (19/12/1963).Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ tham gia lớp bổ túc văn hóa của công nhân Nhà máy ô tô 1/5, Hà Nội (19/12/1963).Ảnh Tư liệu

Karl Marx từng viết trong “Hệ tư tưởng Đức” rằng: Xã hội loài người có hai hình thức sản xuất: Sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Sản phẩm của sản xuất vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản phẩm cuối cùng của sản xuất tinh thần chính là nhân cách, là giá trị con người. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thành một nước phát triển, kiến tạo xã hội nhân văn có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI, thì việc cấp bách nhất ngay từ bây giờ là phải kiến tạo con người, kiến tạo văn hóa mới – một nguồn lực, động lực quyết định.
Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề, chúng ta cần thống nhất: Xây dựng văn hóa và xây dựng con người là một quá trình song song. Cái này vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của cái kia! Không có con người phát triển, văn hóa phát triển, không thể xây dựng được một đất nước phát triển và ngược lại. Đây là chỗ bắt đầu của nhận thức và quyết tâm.
Xây dựng từ đâu, như thế nào?
Trực tiếp nhất, đúng đắn nhất là từ Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ những chỉ dạy được nhắc đi, nhắc lại của Người. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, được báo Cứu Quốc số ra ngày 25/11/1946 đăng tải “… Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ.... Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, xây dựng văn hóa mới là phải học tập, kết tinh được Đông và Tây, xưa và nay nhưng phải thuần túy Việt Nam mà tinh thần dân chủ là nổi bật.
Để có thể học tập và kết tinh được, phải triệt để chống tư tưởng kỳ thị và độc tôn, hai khuyết điểm nặng nề trong quá khứ đã mắc phải. Đồng thời, Bác nhấn mạnh, nền văn hóa ấy phải thuần túy Việt Nam. Đây là phương hướng để chúng ta tránh được một khuyết điểm đã mắc phải và có thể mắc phải một cách trầm trọng trong tương lai: Giống Tây, Tàu, thành bản sao của Tây, Tàu trong thời kỳ hội nhập. Về xây dựng con người, Bác chỉ rõ: Có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung; sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ... Bác nhiều lần chỉ rõ 4 đức tính của con người, nhất là người cán bộ cách mạng là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Năm 1969, Bác có bài viết quan trọng về văn hóa, về xây dựng Đảng, đó là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Lúc đó, những người thích mỹ từ, không thích nhìn vào sự thật là chủ nghĩa cá nhân đã nhiều lần, nhiều cách khác nhau trỗi dậy trong Đảng, trong đời sống, đã đổi thành “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Sự sửa chữa mang tính “tập thể” đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tính chiến đấu của tác phẩm này.
Trong bài viết, Bác lên án chủ nghĩa cá nhân với những lời lẽ đanh thép: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật... làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân”.

Người kêu gọi: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Ðảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng... Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của Nhân dân”.
Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đó là mệnh lệnh của thời đại, là điều kiện đảm bảo thắng lợi của cách mạng, của việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc!
Trách nhiệm, sứ mệnh của Hà Nội
Ở nhiều nơi Bác đến, Bác đều nói muốn xây dựng CNXH thì phải làm gì ? Có nơi, Bác bảo thu hoạch phải tăng, nơi Bác nói năng suất lao động phải cao... để mỗi người tùy từng trường hợp để làm theo. Nhưng ở Hà Nội, Bác nói những vấn đề bao trùm và khái quát nhất. Tại Đại hội Đảng bộ TP ngày 20/6/1960, Bác nhấn mạnh: “Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN và có tư tưởng XHCN. Phải đánh bại những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng CNXH, bảo vệ của công, chống tham ô lãng phí”.
Hà Nội phải thấy vinh dự là nơi Bác gửi trao những điều tâm huyết; là nơi kết tinh trí tuệ của cả nước, cần làm cho Tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh lan tỏa, thấm sâu vào mỗi người dân, thành bản chất của văn hóa và con người Hà Nội. Hà Nội phải là nơi đi đầu và thực hiện thành công việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam ở thế kỷ XXI có tầm cao mới.
Ngày 1/1/2022

Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới." - Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần