Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiến trúc và chữa lành thích ứng với biến đổi khí hậu

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng thiết kế kiến trúc chữa lành ngày càng trở nên phổ biến. Vai trò của kiến trúc càng được khẳng định rõ hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Kiến trúc chữa lành khuyến khích con người sống cùng thiên nhiên.
Kiến trúc chữa lành khuyến khích con người sống cùng thiên nhiên.

"Kiến trúc - chữa lành"

Theo KTS Võ Trọng Nghĩa, trong thời gian gần đây, chủ đề “chữa lành” đã thu hút đông đảo sự quan tâm của thế hệ trẻ và trở thành một từ khóa thường xuyên được nhắc đến như một xu thế của lối sống. Nếu coi kiến trúc là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, vậy vai trò của kiến trúc càng được khẳng định rõ hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu đang mang tính chất cực đoan, chất lượng không khí đang ở mức ô nhiễm, cùng hậu quả suy thoái sau Covid 19 khiến ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trong bối cảnh như vậy cùng những tác động của các luồng sóng diện từ độc hại xung quanh đời sống tinh thần cần được “nâng niu” và bảo vệ hơn bao giờ hết.

Vì vậy nhiệm vụ của KTS là làm sao để giảm thiểu tối đa những tác động này, nhằm “chữa lành” cho trái đất, cũng như tạo ra những không gian an trú và “chữa lành” cho con người từ trong tâm.

Theo đó, công trình thiền viện, tòa nhà, nhà cộng đồng, trường học, khách sạn, villa với phong cách hòa hợp với thiên nhiên, ưu tiên không gian thoáng, ánh sáng, gió tự nhiên và cây xanh, vì đây là những yếu tố cốt lõi có giá trị tích cực đối với sức khỏe tinh thần con người và ứng phó với hiện tượng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu khiến trái đất đang dần nóng lên.

Quan niệm kiến trúc là cầu nối giữa con người và thiên nhiên, KTS Võ Trọng Nghĩa xây dựng các công trình tận dụng yếu tố thiên nhiên, đặc biệt là nguyên liệu tre. Cách làm dễ nhất là thay vì xử lý bằng hóa chất, nên ngâm tre dưới kênh, hồ từ 6 tháng trở lên, khi đó lượng đường của cây tre đã mất hết, vì thế tránh được mối, mọt. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp hun khói tre trong phòng kín bằng cách đốt một lượng nhỏ phân bò và trấu trộn lẫn.

Nhà là nơi thư giãn

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Module9 Nguyễn Văn Chiến, ngôi nhà là nơi tôn nghiêm, không gian an toàn, giúp chúng ta thư giãn, thu thập suy nghĩ và trở thành con người tự do của mình. Khi bắt tay xây dựng dự án cùng các KTS luôn cố gắng thiết kế những không gian mang lại cảnh quan và cây xanh.

Không gian mở, có hệ thống thông gió tự nhiên tốt và hòa hợp với khí hậu với nhiều cảnh quan có thể mang lại hiệu quả cho quá trình "chữa lành" của một người. Giữ lối trang trí tối giản, sử dụng vật liệu và kết cấu tự nhiên cũng như giảm bớt sự lộn xộn về mặt thị giác. Cửa sổ dài đón ánh sáng tự nhiên mang lại cảm giác trị liệu cho ngôi nhà. Chúng làm cho không gian trông rộng hơn, hấp dẫn và tích cực hơn cùng với tạo một góc xanh với cây trồng trong nhà.

Xu hướng thiết kế kiến trúc chữa lành tại Việt Nam nhấn mạnh việc tôn trọng văn hóa và giá trị kiến trúc bản địa. Kiến trúc sư tận dụng vật liệu địa phương để xây dựng không gian sống thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe con người và linh hoạt thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên như nhiệt độ, ánh sáng, và thay đổi khí hậu.

Để đáp ứng một không gian chữa lành đa dạng văn hóa, yếu tố tiên quyết khi xây dựng công trình là sự phù hợp, thích ứng với điều kiện khí hậu của từng vùng đất. KTS Võ Trọng Nghĩa cho rằng, con người nói chung đều mong muốn gần gũi với thiên nhiên để hàn gắn sợi dây kết nối trong tâm hồn. Các cây xanh bao phủ mặt tiền tòa nhà vì thế cũng cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng, ví dụ những vùng gần biển thì trồng cây phong ba – một loài cây có khả năng chống chọi với gió bão.

Tính đến nay, xu hướng này đã tồn tại tại Việt Nam từ nhiều năm trước và đang ngày càng trở nên phổ biến tại các khu đô thị và thành phố lớn. Thiết kế kiến trúc chú trọng đến sự thư thái và cảm xúc của cư dân, đồng thời đưa thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày.