Chúc mừng năm mới

“Kiềng 3 chân” để phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và địa phương, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Tạo không gian mới để phát triển

Trong năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%). Nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện; phát động Phong trào "Sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô", với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô tham gia…

Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Phạm Hùng
Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Phạm Hùng

Ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy chia sẻ: “Luật Thủ đô sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Thủ đô sẽ tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô, trong đó phân cấp, giao quyền cho Hà Nội quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), tạo cơ chế cho Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là cơ hội để Hà Nội có những bứt phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, những cơ chế, chính sách đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thực sự là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội trong quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 không đặt vấn đề so sánh Hà Nội với những TP trong nước mà phải đặt mục tiêu so sánh với thủ đô của các nước có tính chất tương đồng ở trong khu vực, thế giới. Chính vì vậy, mục tiêu Thủ đô Hà Nội sẽ phải trở thành TP kết nối toàn cầu, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu về tư duy Thủ đô, không phải tư duy của một tỉnh, những gì tinh túy, cần phát triển nhất đều phải được thể hiện trong các định hướng phát triển Thủ đô, để Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện cho sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia.

Vì vậy, tư duy Thủ đô được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô là tính bao trùm, lan tỏa và quy tụ được những nét tinh hoa, tinh túy, là đại diện của tất cả các vùng miền đất nước cùng hội tụ về. Còn hành động Hà Nội, đó chính là phải phát huy những giá trị tiềm năng, truyền thống của con người Hà Nội như hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình. Văn hoá là hồn cốt đặc sắc của Hà Nội không phải Thủ đô chỉ là yếu tố địa lý, là bộ mặt đô thị văn minh, các công trình hiện đại.

 

Trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14 - 15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn. Đồng nghĩa với đó, TP được phân cấp, phân quyền cũng đương nhiên phải tự làm, tự chịu trách nhiệm, đúng như tinh thần T.Ư đang nhấn mạnh: "Địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm".

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam