Kinh tế thế giới và trong nước khó khăn đã ảnh hưởng thế nào đến lượng kiều hối về Việt Nam năm 2012, thưa ông?
- Hiện, mới chỉ có số liệu thống kê chính thức về kiều hối trong 6 tháng đầu năm của cả nước là trên 6 tỷ USD. Nếu so với tổng lượng kiều hối năm ngoái (9 tỷ USD), tổng doanh số kiều hối cả nước vẫn được duy trì ổn định và có thể tăng chút ít. Sự sụt giảm trước mắt chỉ là tại địa bàn TP.HCM.Bất động sản là lĩnh vực "hút" kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy có thể thấy sự biến động của thị trường đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến "dòng chảy" của kiều hối. Các thị trường kiều hối tiềm năng của VN vẫn là Mỹ, Canada, Australia... Riêng tại Đông Á, doanh số kiều hối vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng lượng kiều hối. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lao động cũng đóng góp lượng doanh số đáng kể trong tổng doanh số của Đông Á.
Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8. Vì vậy, cần thêm thời gian và chờ đợi số liệu chính thức của cả nước từ Ngân hàng Nhà nước để xác định được chính xác tình hình.
Vậy, đâu là giải pháp để "hút" kiều hối khi "mùa kiều hối" cuối năm đang đến gần, thưa ông?
Để "hút" kiều hối, một trong những giải pháp quan trọng là phải phục hồi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư. Thời gian qua, tảng băng thị trường bất động sản đã tan ít nhiều nhờ sự hỗ trợ từ gói kích cầu 29.000 tỷ đồng và việc giảm nhẹ lãi suất ngân hàng. Nếu phục hồi được hoạt động bất động sản và sàn giao dịch chứng khoán, không những tăng lượng kiều hối mà còn thu hút cả những nguồn vốn nước ngoài khác.
Chi trả kiều hối tại DongABank. Ảnh: Đào Nương
Đối với nguồn kiều hối từ xuất khẩu lao động, việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động và kiểm soát lao động ngoại quốc cũng sẽ góp phần hỗ trợ rất nhiều cho kênh kiều hối.
Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đắn đo suy nghĩ khi đầu tư vào Việt Nam vẫn còn nghi ngại sự thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính, tình trạng quan liêu, tham nhũng. Chính vì thế xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, an toàn và thân thiện là trọng tâm không chỉ góp phần tăng nguồn kiều hối mà còn các nguồn đầu tư khác.
Thời gian qua, thay vì chảy vào ngân hàng, một lượng lớn kiều hối lại được người dân bán ra thị trường tự do. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
- Những năm trước khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên, với sự ổn định của tỷ giá trong 8 tháng đầu năm 2012, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại ngân hàng, điều này cũng giúp cho hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng phát triển rõ rệt.Hiện, các ngân hàng đang cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do. Các chương trình khuyến khích người nhận kiều hối gửi lại cũng đang được nhiều ngân hàng triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 - 11 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2011, và cao hơn mức tăng trung bình 10% - 15% của những năm gần đây. Tại Công ty Kiều hối Đông Á, doanh số kiều hối trong 8 tháng đầu năm đã vượt qua con số 1 tỷ đô la Mỹ. |