Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiều hối sẽ chảy nhiều vào bất động sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường BĐS đang khởi sắc trở lại và theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh sự “xuống tiền” của người dân có nhu cầu về nhà ở trong nước thì còn có sự tác động từ dòng kiều hối.

Những năm gần đây, tuy kinh tế nhiều nước gặp khó khăn nhưng dòng kiều hối về Việt Nam vẫn giữ xu hướng tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước. Thành công đối với việc duy trì dòng kiều hối ổn định trong vài năm trở lại đây cần được nhìn nhận ở việc điều chỉnh chính sách và sự thay đổi từ dịch vụ của hệ thống NH.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Pháp lệnh Ngoại hối được sửa đổi, cùng với việc chính sách vĩ mô của Việt Nam tốt hơn đã thu hút được đồng bào người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, thị trường có những lúc thế này, thế kia nhưng về cơ bản chúng ta giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức tăng thấp.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những yếu tố đó đã tạo điều kiện hỗ trợ NHNN giữ được giá trị đồng VND so với đồng USD. Bên cạnh đó là chính sách thu hút kiều hối ở các NH đã tốt hơn. Cơ chế linh hoạt của các NH trong cung cấp dịch vụ liên quan đến kiều hối không chỉ hấp dẫn mà còn khiến bà con thấy tin tưởng hơn khi chuyển tiền về nước.

Sức hút kiều hối được thể hiện qua con số của năm 2014 với 12 tỷ USD. Và theo như dự báo của Trung tâm nghiên cứu BIDV thì năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới. "Uớc tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 13-14 tỷ USD trong năm 2015 và có xu hướng tập trung vào kênh tiền gửi NH, đầu tư sản xuất kinh doanh và mua BĐS" - báo cáo BIDV phân tích.

Trên thực tế, thị trường BĐS đang khởi sắc trở lại và theo phân tích của các chuyên gia, bên cạnh sự "xuống tiền" của người dân có nhu cầu về nhà ở trong nước thì còn có sự tác động từ dòng kiều hối. Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam thì giao dịch BĐS trong 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch thành công đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại TP. Hồ Chí Minh, dòng kiều hối được mong chờ sẽ có sự bứt phá rõ ràng trong thời gian tới.

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 2,16 tỷ USD tiền kiều hối chuyển về, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào BĐS. Tính chung, mỗi năm cả nước có khoảng 12 tỷ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS, thì chỉ riêng dòng vốn này, thị trường BĐS đã hấp thụ khoảng 2,4 tỷ USD.

Đặc biệt từ ngày 1/7/2015, khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực với quy định thông thoáng hơn cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà, chắc chắn lượng ngoại hối sẽ lại tiếp tục được đổ mạnh vào BĐS.

Tại Điều 11, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh BĐS dưới các hình thức: Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại. Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Đối với đất được Nhà nước giao, người Việt Nam ở nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua… Khoản 2, Điều 14, của Luật này cũng quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, tại Điều 7, Luật Nhà ở năm 2014, cũng bổ sung đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam…

Như vậy, với những điểm mở của Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở như phân tích ở trên cùng với nguồn kiều hối được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, thì khả năng dòng kiều hối đẩy vào lĩnh vực BĐS nhiều hơn những năm trước cũng là điều dễ hiểu.