Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiều hối về Việt Nam: Vài góc nhìn pháp lý trong thực tế!

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ là nguồn lực bổ sung, quý giá đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mà còn đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn) nhìn nhận, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Nhưng để thu hút kiều hối, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính,...

Kiều hối dưới góc độ quy định pháp luật hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về thuật ngữ kiểu hối là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu kiều hối là tiền bạc được di chuyển từ những người đang trú ngụ hay là lao động ở nước ngoài (quốc gia gửi) đến thân nhân của họ tại quê hương (quốc gia tiếp nhận).

Và ngoại trừ ngoại tệ tiền mặt, sẽ có một số loại tài sản được chấp nhận trong kiều hối, ví như các loại giấy tờ có giá theo đơn vị tiền nước ngoài, vàng theo tiêu chuẩn quốc tế, sec du lịch…

Vớ cách hiểu này, nếu nói kiều hối là chỉ tiền, tài sản của Việt kiều (người Việt Nam ở nước ngoài) chuyển về trong nước thì là chưa đầy đủ. Xét ý theo phân tích ở trên, Việt kiều hay người Việt ở Nước ngoài chỉ là một nhóm nhân tố gửi kiều hối về nước trong số những nhóm nhân tố khác.

Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn) 
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn) 

Việt Nam được xếp trong top những quốc gia tiếp nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, vậy theo ông nguồn kiều hối hình thành từ đâu?

Nguồn kiều hối của Việt Nam hay của bất kỳ một quốc gia, thường đến từ các nguồn chính là cộng đồng người di cư ra nước ngoài để định cư và người dân lao động của quốc gia họ ra nước ngoài làm việc. Ví như Ấn Độ có đến quốc gia có 18,5 triệu người dân sống ở nước ngoài, họ là nước nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Nguồn kiều hối thứ nhất với Việt Nam, chúng ta có số lượng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 5,4 triệu người đang sinh sống và làm việc ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó lại tập trung hơn 80% ở các nước phát triển. Việc tập trung nhiều ở các nước phát triển có thể giúp cho chất lượng và số lượng kiều hối của chúng ta được bền vững, ổn định và có thể được nâng cao.

Nguồn chính yếu thứ hai là những người lao động Việt Nam đang là công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động.

Nguồn thứ ba là nhóm những người nước ngoài mà có thân nhân, bạn bè tại Việt Nam như cha mẹ nuôi, vợ, con hay con nuôi, bạn bè hay các du học sinh, các lao động không chính thức khác… họ cũng góp phần nhỏ vào việc hình thành nên nguồn kiều hối hàng năm gởi về Việt Nam. 

Tiền chuyển về Việt Nam qua hình thức mang tiền mặt trực tiếp về qua các cửa khẩu có được xem là chuyển kiều hối hay không?

Việt Nam chấp nhận khá nhiều hình thức chuyển kiều hối đa dạng về nước, ví như qua các ngân hàng thương mại và đây là kênh chuyển tiền được Nhà nước khuyến khích. Ngoài ra còn thông qua các dịch vụ của tổ chức cung ứng trung gian được cấp phép như Western Union, Moneygram, qua Ria, Xoom, Swift, Unitellet, TN Monex hay qua dịch vụ cung cấp bưu chính quốc tế.

Cá nhân ở nước ngoài mang tiền vào Việt Nam cũng được xem là một kênh chuyển kiều hối và đây được đánh giá chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng lượng kiều hối hàng năm. Tuy nhiên với những cá nhân mang kiều hối này về Việt Nam cần phải tuân thủ quy định của Điều 2, Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước là phải thực hiện khai báo với hải quan cửa khẩu cho số tiền ngoại tệ có giá trị vượt mức 5.000 USD trở lên. Quy định này cần được hiểu là họ có thể mang có thể mang lượng kiều hối lớn hơn qua cửa khẩu nhưng phải khai báo và hiện không có hạn chế số lượng tối đa khi chuyển kiều hối về Việt Nam là bao nhiêu.

Khi chuyển tiền kiều hối buộc phải chứng minh quan hệ thân nhân giữa người chuyển và người nhận?

Như tôi đã nói, nước ta chưa có định nghĩa pháp lý về khái niệm kiều hối và hiện đang ưu tiên, khuyến khích các nguồn kiều hối về nước nên giữa người gởi và người nhận không cần chứng minh quan hệ nhân thân mà chỉ cần xác thực thông tin cá nhân của người gởi, người nhận qua giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, hộ chiếu và sự kê khai.

Trên thực tế nếu có hoạt động chuyển tiền cho bạn bè hay cá nhân nào đó mà không phải là thân nhân thật sự thì hoạt động này vẫn diễn ra bình thường vì rất khó có thể kiểm chứng.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỷ USD, cao hơn kỷ lục của năm 2023. Trong đó, lượng kiều hối cao nhất là ở TP Hồ Chí Minh
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỷ USD, cao hơn kỷ lục của năm 2023. Trong đó, lượng kiều hối cao nhất là ở TP Hồ Chí Minh

Theo quy định pháp luật Việt Nam, người nhận kiều hối có bị đánh thuế thu nhập cá nhân không, thưa ông?

Khoản thu nhập của người nhận trong nước từ kiều hối theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân theo Điều 4, Luật Thuế Thu nhập Cá nhân năm 2007 và theo Khoản 3, Điều 2 Luật về Sửa đổi, Bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa xác định rõ việc khi người nhận kiều hối ở trong nước mà thuộc trường hợp có bán lại ngoại tệ để thu về tiền VNĐ thì có phải nộp thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập về “thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ” và “thu nhập từ chênh lệch tỷ giá” mà đã được xác định là khoản thu nhập khác theo Điều 7, Thông tư số 78/2014/TT-BTC năm 2014 của Bộ Tài chính hay không.

Trong công tác hay quy định về phòng chóng rửa tiền, có quy định như thế nào về phòng chống rửa tiền trong hoạt động chuyển tiền, nhận tiền kiều hối hay không?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không yêu cầu người nhận tiền kiều hối ở trong nước phải khai báo nguồn gốc của số tiền nhận chuyển về và đồng thời người nhận tiền cũng không thuộc đối tượng báo cáo theo Điều 4 của Luật Phòng, Chống Rửa Tiền số 14/2022/QH15.

Trong phòng chóng rửa tiền, Việt Nam có quy định các đối tượng báo cáo là những tổ chức tài chính hay phi tài chính mà được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động liên quan đến kiều hối như: dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; cung ứng dịch vụ ngoại hối; các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; đổi tiền; kinh doanh kim khí quý, đá quý… thì phải tuân thủ các quy định và tham gia vào công tác phòng chống rửa tiền qua việc nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ và thực hiện các biện pháp được yêu cầu bắt buộc về nhận biết khách hàng, xác minh thông tin khách hàng, đánh giá rủi ro...

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TP Hồ Chí Minh) cho biết, kiều hối chuyển về TP 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 5,2 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Ông đánh giá sao về các thông tin này?

Với bất cứ hoạt động thống kê nào nếu đơn vị thực hiện việc thống kê chỉ cung cấp con số cuối cùng là kết quả thống kê chung thì có thể sẽ gây ra những sự hoài nghi nhất định vì quá trình thống kê là kết quả của hoạt động khoa học cần sự chính xác cao. Do đó, nếu đơn vị thống kê công bố thêm các thông tin khác, ví như về phương pháp thống kê, về thực hiện các công bố chi tiết hơn liên quan đến những đơn vị được thống kê…sẽ giúp thông tin đầy đủ hơn, thuyết phục hơn.

Có thể khẳng định, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, vì vậy, trong thời gian tới để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” này, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, thông tin rõ ràng về cơ hội đầu tư tại Việt Nam tới kiều bào ở nước ngoài,…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!