Không lo hết việc Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi về thăm làng nghề Kiêu Kỵ. Tại cơ sở sản xuất Nam San của gia đình, chị Lê Thị San vừa chăm chú phết từng nét sơn son lên sản phẩm bệ đỡ giá thờ, vừa kể, chả biết nghề sơn son thếp vàng có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ đời các cụ đã mưu sinh bằng nghề này. Trải qua nhiều thăng trầm, có giai đoạn tưởng nghề đã mai một. Khoảng 10 năm trở lại đây, số hộ tham gia làm nghề tăng trở lại, nhưng hiện cũng chỉ vài chục hộ đứng làm chủ. Còn nhân công theo nghề thì phải tới hàng trăm. Lời lãi từ nghề sơn son thếp vàng không hẳn là cao nếu đem cân đo đong đếm với những vất vả của nghề. Nhưng do số hộ theo nghề không nhiều nên chẳng bao giờ hết việc. Theo chị San, thị trường của nghề sơn son thếp vàng khá rộng. Như gia đình chị có nhiều mối hàng ở khắp các tỉnh, TP miền Trung, miền Nam. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình chị San đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn chục nhân công.
Nhiều người cho rằng, văn hóa tín ngưỡng thờ cúng còn khá phổ biến ở Việt Nam đã giúp cho nghề sơn son thếp vàng không bị mai một. Hiện tại, sản phẩm sơn son thếp vàng Kiêu kỵ luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho các di tích đình, đền, chùa, nhà thờ tự… Anh Nguyễn Khánh Nam (thợ khá lành nghề) cho biết, để làm ra một sản phẩm son son thếp vàng, cần trải qua 15 công đoạn. Đây được xem là một trong số những “nghề chọn người”. Bởi nếu không có kỹ thuật, sự khéo léo, tỉ mỉ thì khó có thể làm tốt. Một điều đáng mừng, hầu hết những người thợ đang theo nghề của làng hiện đều khá trẻ. Đây cũng là niềm hy vọng lớn đối với mục tiêu tiếp tục phát triển hơn nữa làng nghề có lịch sử hàng trăm năm tuổi này. Cần hỗ trợ vốn, mở rộng quy mô sản xuất Kiêu Kỵ từ xưa được biết đến là làng nghề truyền thống sơn son thếp vàng. Nhưng nay, người dân ở làng Kiêu Kỵ nói riêng, xã Kiêu Kỵ nói chung đang phát triển đa dạng và mở rộng các nghề sản xuất cặp, túi xách, giày dép, ví, thắt lưng,… Dọc đường làng là các cửa hàng, cơ sở sản xuất các sản phẩm bằng chất liệu da, nhựa san sát bên những xưởng chế tác sơn son thếp vàng. Sự phát triển nhanh chóng của làng nghề ở các địa phương luôn đặt ra bài toán môi trường. Nhưng riêng Kiêu Kỵ, nỗi lo này không quá lớn bởi việc đa dạng hóa các ngành nghề. Thực tế, mọi công đoạn để chế tác ra một sản phẩm sơn son thếp vàng đều được người thợ thực hiện thủ công. Quá trình sản xuất các mặt hàng bằng da, nhựa khác cũng rất ít ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh, bao gồm cả tiếng ồn. Tuy nhiên, để đảm bảo yếu tố bền vững, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, giao thương hàng hóa, xã Kiêu Kỵ đã và đang triển khai quy hoạch cụm sản xuất làng nghề tập trung. Theo đó, tất cả các cơ sở sản xuất, bao gồm cả nghề sơn son thếp vàng truyền thống sẽ dần được quy hoạch phát triển tập trung tại cụm làng nghề này. Ông Phùng Đắc Quản - Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, nghề sơn son thếp vàng mang lại thu nhập khá cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, trước nhu cầu đa dạng của thị trường, Kiêu Kỵ đang hướng tới “xã đa nghề”. Dù vậy, việc giữ nghề truyền thống của cha ông để lại vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ mà địa phương chú trọng ưu tiên. Để nghề sơn son thếp vàng ở Kiêu Kỵ tiếp tục phát triển, ông Quản kiến nghị TP tiếp tục hỗ trợ vốn để các hộ mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu tại các hội chợ để sản phẩm sơn son thếp vàng của làng Kiêu Kỵ đến được gần hơn với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Chị Lê Thị San tỉ mỉ chế tác một sản phẩm sơn son thếp vàng. |