“Kim chỉ nam” cho Hà Nội phát triển

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết số 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Cầu Nhật Tân. Ảnh: Thanh Hải  
Cầu Nhật Tân. Ảnh: Thanh Hải  

Các giải pháp tổng thể trên mọi lĩnh vực được chỉ rõ trong Nghị quyết mới về các định hướng quan trọng để TP hiện thực những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cũng tạo ra tầm nhìn, động lực cho cả giai đoạn xa hơn. Đây là cơ hội rất quan trọng trong quá trình phát triển của Hà Nội.

Trước Nghị quyết số 15/NQ-TƯ, Hà Nội đã có 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 -2020. Với những nỗ lực và quyết tâm cao, Hà Nội đã đạt được các kết quả nổi bật. Trong đó, kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá; giai đoạn 2011 - 2020 tăng 6,83%/năm, bằng 1,15 lần cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng văn minh, hiện đại hơn; đời sống người dân ngày càng nâng cao...

Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được sử dụng hiệu quả để tạo ra đột phá lớn. Từ việc nhận diện rõ cả những thành tựu, hạn chế, việc có thêm một Nghị quyết mới về phát triển Thủ đô cho giai đoạn tiếp theo được đánh giá là rất cần thiết.

Trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị vừa được ban hành, các mục tiêu cụ thể đã được xác định rõ. Trong đó, đến năm 2030, Hà Nội là TP "văn hiến, văn minh, hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội phải cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 12.000 - 13.000 USD. Năm 2045, Hà Nội sẽ là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao, thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000 USD...

Nghị quyết cũng chỉ ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao trùm hầu khắp các lĩnh vực; xác định rõ vai trò của Thủ đô là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước được xác định. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức quản trị, vận hành thành phố thông minh; đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt…

Nhiều định hướng để hình thành một đô thị hiện đại hơn cũng được xác định như phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh, không gian cộng đồng; hiện thực hóa dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, nghiên cứu sớm triển khai dự án Vành đai 5... Năm 2025, Hà Nội có 3 - 5 huyện lên quận; năm 2030 thêm 1 - 2 huyện lên quận…

Các nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan T.Ư, địa phương cũng được chỉ rõ. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền Hà Nội cũng nhiều lần được đề cập... Những định hướng cụ thể trong Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cùng TP Hà Nội tiến hành những bước tiếp theo trong hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt và tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Trong đó, việc đưa tinh thần mới của Nghị quyết vào tiến hành xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); triển khai lập Quy hoạch TP, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là những nội dung lớn, mở ra không gian phát triển và cũng chính là những giải pháp để thúc đẩy việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần