Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, ngay trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường lần đầu tiên có quan hệ thương mại tự do mới là Canada và Mexico đã tốc độ tăng trưởng gần 30%.
Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đây chính là tiền đề để Việt Nam đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế.
“Sau 3 năm thực hiện, kết quả còn đáng khích lệ hơn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi điểm lại việc thực thi CPTPP, những con số Chính phủ báo cáo Quốc hội được đánh giá rất cao, đặc biệt những thị trường chúng ta mới mở, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao” – ông Lương Hoàng Thái cho hay.
Minh chứng là tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 sang khối thị trường CPTPP đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho thành tích chung về xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt hơn, ngoài những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì đây là một hiệp định mà lần đầu tiên đưa Việt Nam có một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi CPTPP cũng là một bước đệm để Việt Nam có được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác.
“Tất cả những nước ở trong khu vực châu Á Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ thì đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là 3 nước ở khu vực phê chuẩn CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây là bàn đạp để chúng ta có được những cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác” – ông Lương Hoàng Thái khẳng định.