Mặc dù bán hàng online tạo ra thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhưng chính từ đây lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Chọn địa chỉ có uy tín để tránh hàng giả "Bộ Công Thương cũng làm việc với các DN hậu cần, thương mại điện tử... đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tập trung nơi đông người. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn, đặt mua hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trực tuyến có uy tín, nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng." - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga Nên bảo mật thông tin khi mua hàng trên mạng "Để bảo đảm an toàn cho các giao dịch trực tuyến, các DN cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị; các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất. Ngoài ra, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để bảo đảm phòng tránh hacker." - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế Học viện Tài chính - TS Đinh Trọng Thịnh Nhiều người vô tình tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả "Việc nhận biết hàng thật - giả trên mạng rất khó, bởi thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà nhiều lúc khách hàng cũng khó phát hiện. Hơn nữa, vẫn có những trường hợp người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng, điều này đang vô tình tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có “đất” sống." - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh ?(Hoài Nam ghi) |
Kinh doanh ăn uống, bán lẻ mùa dịch Covid-19: Ế ẩm hàng quán, kinh doanh online lên ngôi
Kinhtedothi - Để tránh lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều người dân đã hạn chế đến nơi đông người, điều này đã khiến các siêu thị, cửa hàng ăn uống, rạp chiếu phim… rơi vào cảnh vắng vẻ. Để tồn tại, các siêu thị, hộ kinh doanh đang đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online.
Siêu thị, quán xá vắng khách
Chị Nguyễn Phương Anh (nhà ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng) cho biết: Lo lắng nguy cơ lây lan Covid-19, nên tôi đã hủy buổi hẹn các bạn đi lễ chùa và các buổi liên hoan, gặp mặt đầu năm. Không chỉ chị Phương Anh mà nhiều người dân đều chọn cách hạn chế tiếp xúc, không đến nơi đông người với bất cứ lý do gì.
Tâm lý người dân như vậy nên 3 tuần trở lại đây, tại phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) vốn nổi tiếng là khu phố náo nhiệt vào buổi tối, nay rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Các hàng bún, phở, bánh rán, ốc luộc… trên các phố Bảo Khánh, Nhà Thờ, Lò Sũ, Hàng Trống… cũng trong tình trạng tương tự, nhiều hàng tạm nghỉ do không có khách.
Anh Nguyễn Văn Quân - chủ quán bún ốc gần Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) chia sẻ: Thông thường vào tháng đầu Xuân năm mới, Phủ Tây Hồ luôn đông nghìn nghịt khách đi lễ nhưng năm nay lượng khách chỉ lác đác đến thắp hương rồi ra về, không ở lại thưởng thức bún ốc Hồ Tây.
“Vắng khách nên chấp nhận đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng kinh doanh, lỗ cả trăm triệu đồng tiền thuê” - anh Quân nói. Theo khảo sát của phóng viên tại phố cà phê Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân..., khách hàng tới đây giảm hẳn, nhiều quán xung quanh khu vực các trường đại học đã đóng cửa do sinh viên được nghỉ học.
Đại diện cửa hàng trà sữa Tocotoco trên phố Xã Đàn cho biết, thông thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, lượng khách đến cửa hàng trà sữa Tocotoco luôn đông, tuy nhiên dịp này lượng khách đến cửa hàng cũng giảm mạnh.
Tương tự mặt hàng ăn uống, những ngày này các cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang cũng trong tình trạng vắng lặng. Những người kinh doanh thời trang trên phố Chùa Bộc ngao ngán nói: Trước Tết mỗi ngày cửa hàng đón 150 - 200 khách, nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ 10 - 15 khách đến lựa chọn, thử đồ và mua rất ít mặc dù cửa hàng đã đưa ra chương trình khuyến mại đến 50%, thậm chí với khách hàng quen thuộc đến mua hàng còn được hưởng thêm ít nhất 10%/hóa đơn sản phẩm nữa.
Lo sợ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 nên hệ thống chợ truyền thống cũng trong tình trạng vắng khách, hàng loạt ki-ốt buôn bán ở chợ Ngã Tư Sở tạm thời đóng cửa dừng kinh doanh. Tương tự, hoạt động kinh doanh tại chợ Đồng Xuân một trong những chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 6.500m2, với hàng trăm sạp hàng cũng trở nên thưa vắng, ảm đạm.
Theo các tiểu thương kinh doanh tại hệ thống chợ truyền thống, nguyên nhân chính khiến lượng khách ở các chợ bán buôn, đầu mối như Đồng Xuân, Ngã Tư Sở sụt giảm là do thời điểm vừa sau Tết Nguyên đán 2020 khách hàng vẫn đi chơi Xuân hoặc đi lễ chùa. Đặc biệt, do bệnh dịch Covid-19 nên khách hàng lo sợ lây nhiễm khi đến những nơi đông người như chợ đầu mối đã khiến lượng khách chợ mua sắm giảm đến 70 - 80% so với bình thường.
Mua sắm online lên ngôi
Lo ngại trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trực tuyến bởi sự nhanh chóng, tiện lợi. Bởi hình thức mua săm này không phải ra tận cửa hàng, không phải chen chúc xếp hàng thanh toán như khi shopping ở các siêu thị, trung tâm mua sắm… mà chỉ cần ngồi nhà, truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng mình thích, thanh toán qua mạng và sẽ được giao hàng tận nơi.
Thực tế, để tiêu thụ hàng hóa, những ngày vừa qua các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội facebook, zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.
Những ngày gần đây mặc dù lượng khách đến những chuỗi cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh và "take away" như KFC, Lotteria, Phúc Long, The Alley, HighLand... có suy giảm nhưng lượng đơn hàng online lại tăng mạnh. Theo thống kê nhanh từ GoViet từ ngày 17/1 đến nay, lượng đơn hàng ẩm thực đặt qua GoFood, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ cửa hàng thực phẩm trực tuyến (ngõ Hòa Bình 1, phố Minh Khai) Lê Hà An cho biết: "Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, mỗi ngày tôi nhận được trung bình từ 60 - 70 đơn hàng/ngày, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19. Do lượng đơn hàng tăng mạnh, cửa hàng phải thuê thêm người làm và người giao hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng…".
Còn bà Nguyễn Lan Hương, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại ngõ 13 phố Sài Đồng (quận Long Biên) chia sẻ: Để tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, internet, hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên, hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách”. Có thể thấy, những chuỗi cửa hàng ẩm thực nếu đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì vẫn có thể sống sót qua mùa "Covid-19" dù số khách hàng trực tiếp đến cửa hàng giảm bớt.
Không chỉ những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ mới đẩy mạnh bán hàng online mà các siêu thị cũng đang đẩy mạnh bán hàng theo phương thức này. Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức mua sắm online, người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.
"Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng". Khi Việt Nam công bố dịch, kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020.