Kinh doanh cho thuê lại nhà: Lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành, số liệu khảo sát thị trường cho thấy, lợi nhuận kinh doanh cho thuê nhà ở Hà Nội trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay dao động từ 4 - 4,2% năm, còn thấp hơn mức lãi suất ngân hàng.

Do đó, nhiều người đã lựa chọn kênh đầu tư an toàn hơn, thay vì bỏ tiền ra thuê nhà rồi kinh doanh cho thuê lại gặp nhiều rủi ro như hiện nay.
  Một thông báo cho thuê nhà trên phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Các chuyên gia cho rằng, trong lúc dịch bệnh như hiện nay, phân khúc cho thuê nhà ở, mặt bằng kinh doanh đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ nhà đầu tư bỏ rơi thị trường rất cao. "Việc Nhà nước yêu cầu đóng thuế đối với những nhà, căn hộ cho thuê hoàn toàn cần thiết và phù hợp nhưng cũng không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực đến thị trường" - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhìn nhận, quy định về doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của hợp đồng cho thuê nhà 10 triệu đồng/tháng, được hiểu, cá nhân cho thuê nhà mà bình quân tháng cho thuê từ 8,33 triệu đồng trở lên thì thuộc diện phải nộp thuế, bất kể cho thuê nhà đủ hoặc không đủ 12 tháng trong năm dương lịch.

"Đối với đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư và xây dựng nhà ở để cho thuê nhưng trên thực tế thị trường nhà cho thuê vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người nước ngoài, công nhân lao động, người nhập cư hoặc cho thuê nhà, một phần nhà làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do vậy, quy định này không phù hợp, đặc biệt với hoàn cảnh dịch Covid-19 như hiện nay và đề xuất nâng mức đánh thuế lên 200 triệu đồng/năm" - ông Lê Hoàng Châu nói.