Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh online - giải pháp hữu hiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP mùa dịch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP. Các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua bán hàng online, livestream và giao dịch trên sàn thương mại điện tử được xem là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chủ động xoay sở trong dịch bệnh
Với 11 sản phẩm được UBND TP đánh giá, phân hạng cấp sao, cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Lê Đình Tuấn là đơn vị tiên phong trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại huyện Thanh Trì. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở này duy trì hàng trăm điểm tiêu thụ các sản phẩm trà thảo mộc, bột ngũ cốc dinh dưỡng trên khắp địa bàn Hà Nội.
Đóng gói sản phẩm trà thảo mộc tại cơ sở của anh Lê Đình Tuấn (huyện Thanh Trì).
Mặc dù vậy, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND và mới đây, nhất là Công điện số 18/CĐ-UBND của UBND TP, các điểm bán hàng cũng như nhiều hệ thống có phân phối sản phẩm OCOP của cơ sở anh Lê Đình Tuấn đã phải tạm ngừng hoạt động.
“Hiện, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng. Việc kinh doanh chủ yếu thực hiện qua phương thức online và phối hợp với một số sàn thương mại điện tử để giới thiệu, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng…” - anh Lê Đình Tuấn cho biết.  
Cùng chung khó khăn, Hợp tác xã (HTX) Sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng đang khá vất vả để duy trì sản xuất, kinh doanh. HTX hiện có 3 sản phẩm sữa tươi và sữa chua được UBND TP cấp sao OCOP, cùng với đó là hàng chục sản phẩm từ sữa khác.
“Trước khó khăn do dịch Covid-19, HTX phải đẩy mạnh tiêu thụ ra các tỉnh, TP lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương… Trên địa bàn Hà Nội, HTX chủ yếu phân phối vào các hệ thống bán lẻ, đại lý. Các đơn vị này có liên kết với sàn thương mại điẹn tử và cũng phải tăng cường bán hàng online…” - anh Khúc Văn Trọng - Giám đốc HTX Sữa bò Phù Đổng cho biết.
Hỗ trợ tập huấn bán hàng online
Không chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Lê Đình Tuấn hay HTX Sữa bò Phù Đổng, thực tế hiện nay, các chủ thể đang gặp khá nhiều lúng túng trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong khi đó, một bộ phận lớn người tiêu dùng cũng chưa kịp thời tiếp cận các kênh cung ứng nông sản, thực phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19.
Bán hàng online là giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân thì việc tiêu thụ thông qua các hình thức thương mại điện tử, bán hàng online và livestream là giải pháp hữu hiệu. Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, bảo đảm giãn cách xã hội và an toàn phòng dịch Covid-19.
Nắm bắt khó khăn trên của các chủ thể, thời gian qua, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức một số chương trình livestream nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hình thức này bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực và sẽ tiếp tục được nghiên cứu triển khai bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Nhằm thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đã và đang phối hợp với Viện Nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN mở các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí cho các chủ thể. Khoá học kéo dài 3 buổi với nội dung chuyên sâu về phương thức, kỹ năng bán hàng online, livestream để tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cùng với sự vào cuộc của các sở ngành, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP tăng cường kết nối với các đơn vị kinh doanh, điểm phân phối, tiêu thụ. Các đơn vị tiêu thụ tăng cường hình thức bán hàng online, livestream trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, cần bố trí đội ngũ shipper chuyên nghiệp đáp ứng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng.
Các chủ thể có nhu cầu tham gia khóa học trực tuyến bán hàng online, livestream có thể liên hệ với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, số 73 Lê Hồng Phong (quận Hà Đông); đăng ký qua số điện thoại: 0943569386 (gặp bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Tổ trưởng Tổ truyền thông).