Đủ chiêu trò “né” thuế
Hiện nay bán hàng online đang trở thành cơn sốt đem lại thu nhập cao cho không ít người nhưng phần lớn chưa chủ động kê khai với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, không ít cá nhân dễ dàng kiếm tiền nhờ kinh doanh trên mạng lại dễ “qua mặt” cơ quan thuế, bằng nhiều chiêu trò tinh vi. Suốt thời gian dài, ngành thuế thất thu từ mảng kinh doanh này.
Một người kinh doanh quần áo trên Facebook bật mí, có rất nhiều cách thức để người bán hàng online không lộ doanh thu thực. Trong đó, dễ nhất là tăng cường nhận tiền mặt. Nếu thanh toán chuyển khoản, chủ cơ sở sẽ đề nghị khách mua không cần ghi trong nội dung chuyển khoản thông tin về mục đích chuyển, không nhắc đến tên hàng hóa gì, chỉ cần ghi tên khách hoặc tên Facebook.
Thực tế, việc làm này là hình thức trốn thuế của người bán hàng online, khi có quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế.
Hay theo quy định hiện hành, người được cho, tặng quà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ những tài sản như chứng khoán hoặc vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản. Do đó, người kinh doanh online đã nghĩ ra cách bảo khách hàng ghi nội dung là biếu, cho, tặng… để “né” thuế. Đồng thời, có thể phân bổ số tiền đến cho nhiều cá nhân khác nhau, tránh dồn toàn bộ vào một tài khoản nhất định sẽ dễ bị truy thuế với nguồn thu lớn.
Đặc biệt, hiện nay với hình thức quảng cáo sản phẩm qua livestream, nhiều tài khoản facebook thu hút đến hàng chục ngàn lượt tương tác cũng nhanh chóng xoá luôn video livestream sau khi kết thúc để tránh bị soi lại.
Nhìn nhận thực trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử là có. Thực tế, việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp do tính mới và phổ biến của nó. Vì kinh doanh online có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử với những tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian livestream thì cơ quan quản lý không biết họ là ai nữa. Nó không phải là các sàn thương mại điện tử mà nhà mạng có thể dễ dàng quản lý.
Thực tế, sự phát triển kinh doanh trên sàn thương mại điện tử mang lại nhiều thuận lợi cho cả người mua và người bán, tuy nhiên, thực tế việc quản lý kinh doanh bán hàng online lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp do tính mới và phổ biến của nó. Vì người kinh doanh online có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử với những tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian liestream thì không ai biết rõ họ là ai nữa. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế nhiều lần cho biết sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử, nhưng không khai, đăng ký hay nộp thuế.
Đẩy nhanh xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng. Đặc biệt, để người kinh doanh online không “né” được thuế, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngân hàng, cơ quan thuế, quản lý thị trường… Nếu chủ thể kinh doanh cố tình chây ỳ, không kê khai, không nộp thuế đầy đủ thì phải có chế tài, phạt thật nặng, thậm chí không cho phép kinh doanh. Làm thật chặt như vậy thì việc quản lý thuế ở loại hình thương mại điện tử mới phát huy hiệu quả.
Thực tế, để siết chặt quản lý, chống thất thu thuế đối với những trường hợp kinh doanh qua mạng cũng đã có những quy định và hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn. Một trong những giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và chống thất thu thuế được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong thương mại điện tử, các dịch vụ livestream, ăn uống. Đây cũng chính là mục tiêu của Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025 và Chỉ thị số 18/CT-TTg (Chỉ thị 18) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Từ ngày triển khai thực hiện Đề án 06 đến nay, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã thu thập được 71 triệu tài khoản định danh điện tử. Trong đó, đã có 52 triệu tài khoản được kích hoạt, đưa vào sử dụng. Từ đó đã bước đầu xác định được chủ thể kinh doanh trên các sàn thương mại điện tủ, trên môi trường số để định danh và thu thuế.
Chỉ thị 18 cũng yêu cầu 5 Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp, chia sẻ dữ liệu cho ngành thuế. Năm 2023, ngành Thuế đã có dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 130 đơn vị viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình, tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và hơn 121 triệu cá nhân.
Hiện nay việc chuyển khoản dù có ghi hay không ghi nội dung cũng không còn quá quan trọng. Các ngân hàng thương mại cũng đã cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người bán hàng cho cơ quan thuế. Tài khoản nào có lượng tiền ra vào lớn sẽ là đối tượng được rà soát trước tiên, để xem cá nhân này đang kinh doanh gì, đã kê khai đóng thuế hay chưa.
Nhờ đó, năm 2023, doanh thu quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng và ngành thuế cũng thu về 97.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022. Đây chính là kết quả tích cực đến từ Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ sau 1 năm triển khai.