Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh Outlet: Hiểu đúng để phát huy hiệu quả

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiêu thụ lượng hàng lỗi mốt, các thương hiệu thế giới thường“bắt tay” nhau áp dụng cách kinh doanh Outlet (đưa hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thông qua tổng kho) để bán hàng tồn và người tiêu dùng được mua hàng "xịn" với giá rẻ.

 Trên thế giới, hình thức kinh doanh Outlet đã trở nên phổ biến, tuy nhiên, tại Việt Nam loại hình kinh doanh này vẫn chưa phát triển.

Người tiêu dùng có thêm cơ hội mua hàng giá rẻ

Chia sẻ thông tin về mô hình kinh doanh Outlet trên thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng thông tin: Ở nước ngoài, Outlet thường là những chuỗi cửa hàng quy mô lớn đặt cách xa trung tâm, tiêu thụ lượng hàng lỗi mốt từ các thương hiệu chính thống. Ở Mỹ, Outlet được hiểu là các cửa hàng bán lẻ trực tiếp sản phẩm do chính công ty sản xuất ra đến thẳng tay người tiêu dùng, mà không cần thông qua các cửa hàng trung gian.
Kinh doanh Outlet thời trang ở Mỹ có thể theo mùa, từ tháng 11 đến Giáng sinh là mùa bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm. Trong những ngày này, tín đồ mua sắm chấp nhận xếp hàng cả ngày để mua được những món hàng hiệu giá rẻ. Ở Singapore hay Hong Kong, hệ thống Outlet hoạt động suốt năm đã thu hút những người yêu thời trang tiêu tiền khi đi du lịch.
 Cửa hàng bán đồ thể thao Outlet tại Royal City. Ảnh: Hoài Nam
Mô hình kinh doanh Outlet mang lại lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng, đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu. Theo bà Vũ Thị Hậu, hàng hóa bán tại các cửa hàng Outlet mặc dù là sản phẩm của những thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới nhưng chủ yếu là đồ lỗi mốt, thiếu size hoặc có một vài lỗi nhỏ nên được giảm giá từ 30 - 80%. “Mặc dù sản phẩm bán tại Outlet là hàng lỗi mốt nhưng có giá thành rẻ, chất lượng tương đối tốt nên nhiều khách hàng vẫn thích mua và dùng hàng Outlet” - bà Vũ Thị Hậu nói.

Trước những lợi ích mà mô hình Outlet mang lại cho DN và người tiêu dùng, tại buổi làm việc với Huyện ủy Đông Anh vừa qua, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã quan tâm phát triển các khu Outlet quy mô lớn, qua đó thúc đẩy thương mại, du lịch. Theo Bí thư Thành ủy, đây là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, kích thích sản xuất rất có hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thương mại chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19. Thực tế chứng minh, các khu bán hàng Outlet đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều người thích mua sắm, trong những chuyến du lịch tới các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Kinh doanh ế ẩm, doanh nghiệp không mặn mà Outlet

Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 2008 - 2009, gian hàng Outlet đã có thời kỳ trở thành xu hướng mua sắm đỉnh cao của các tín đồ am hiểu về thời trang. Tuy nhiên, trào lưu này rất nhanh thoái trào chỉ sau có 1 - 2 năm xuất hiện do các gian hàng Outlet được mở tại Việt Nam trước đây thường nằm rời rạc và ít người biết đến. Bên cạnh đó, điều tạo nên sự khó chịu nhất cho khách hàng là sự sắp xếp lộn xộn tại các gian hàng Outlet và thái độ phục vụ kém chuyên nghiệp của nhân viên.
Tại Hà Nội, mô hình kinh doanh Outlet đã manh nha xuất hiện từ đầu năm 2012 với tiêu chí "hàng hiệu giá tốt" nên đã thu hút được khá nhiều khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh theo mô hình Outlet đã đóng cửa dừng kinh doanh hoặc quay về phương thức truyền thống.
 Cửa hàng JOCKEY Outlet trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Lê Nam
Lý giải nguyên nhân chuyển về cách thức bán hàng cổ truyền, dừng bán Outlet, anh Nguyễn Văn Hải đại diện cửa hàng Outlet trên phố Chùa Bộc cho biết: "Mặc dù hầu hết các sản phẩm tôi bán đều có giá rẻ hơn so với hàng thị trường từ 50 - 70%, tuy nhiên việc thu hút khách rất khó khăn.
Bởi nhiều DN sản xuất hàng thời trang thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mại sản phẩm mới nên giá bán chỉ đắt hơn sản phẩm Outlet 20 - 30%. Để tiêu thụ hàng hóa, các cửa hàng Outlet phải tung ra nhiều chiêu khuyến mại truyền thống như giảm giá, tặng quà, chiết khấu nên kinh doanh hầu như không có lãi hoặc lãi rất thấp".

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, nguyên nhân khiến mô hình Outlet không phát triển là do các cửa hàng kinh doanh Outlet chỉ đại diện cho 1 - 2 thương hiệu riêng lẻ bán hàng giảm giá nên sản phẩm không đa dạng, thiếu sức hấp dẫn đủ sức giữ chân khách mua hàng.
Thêm nữa, hiện một số DN hiểu Outlet một cách phiến diện theo hướng dùng thay cho khái niệm cửa hàng hay shop. “Việc hiểu sai về mô hình kinh doanh Outlet đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam dần rời xa cửa hàng Outlet vốn thu hút người mua nhiều nơi trên thế giới”- bà Lê Việt Nga nói.

Đồng tình với phân tích này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú chia sẻ: Hiện, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn đánh đồng hàng giảm giá vì lỗi kỹ thuật hoặc kém chất lượng với hàng Outlet chỉ là lỗi mốt, thiếu size hoặc thiếu màu... nhưng đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, người Việt Nam ưa thích mua hàng xách tay từ nước ngoài chuyển về, mặc dù nguồn gốc và chất lượng đôi khi không thể kiểm chứng như sản phẩm Outlet. Tâm lý này đã khiến hàng Outlet thương hiệu quốc tế dù giá thấp hơn kênh bán lẻ truyền thống, nhưng khách hàng không mấy mặn mà mua sắm nên tình trạng ế khách là khó tránh khỏi.

Để có thể phát triển mô hình kinh doanh Outlet, Tổng Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam Marc Townsend cho rằng: Muốn thành công, Outlet Việt Nam cần có mô hình hoạt động đúng nghĩa, tức là mở ra các trung tâm lớn tại khu vực có mặt bằng cho thuê giá rẻ để tiết kiệm chi phí.
“DN nếu chọn cách bán Outlet tại những địa điểm nhỏ tọa lạc trên những vị trí bất động sản "vàng" của TP Hà Nội sẽ làm giảm đi hiệu quả kinh doanh và khó lòng trụ vững” - ông Marc Townsend phân tích.

Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, để có thể triển khai mô hình Outlet đòi hỏi TP Hà Nội xây dựng trung tâm bán hàng quy mô lớn xa trung tâm TP, thu hút nhiều thương hiệu tham gia. Khi đó sẽ tạo cho người tiêu dùng thói quen mua sắm tại các khu vực tập trung, từ đó phát triển Outlet.

"Tháng 9/2020, Hòa Bình Group đã trình UBND TP Hà Nội dự án xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại, Outlet, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh với quy mô 80ha, trong đó dành 30ha xây dựng Outlet V+ và trung tâm thương mại." - Chủ tịch Hòa Bình Group Nguyễn Hữu Đường


"Sẽ chẳng có mấy người mất công đi hàng chục cây số từ nội thành ra ngoại thành để chỉ để mua vài món hàng giảm giá tại Outlet Mall. Muốn thu hút được khách, bên cạnh việc kêu gọi các DN sản xuất hàng hóa tham gia kinh doanh, qua đó đưa hàng từ đơn vị sản xuất đến người tiêu dùng, Outlet Mall cần phải mở đồng thời các điểm dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, để khách vừa vui chơi, vừa mua sắm... Có như vậy thì việc xây dựng, khai thác các khu Outlet Mall mới thực sự đạt hiệu quả kinh doanh như mong muốn." - Phó Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến Phan Văn Kiệt